Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa đầu tháng 9 có thông báo về việc mời nộp hồ sơ năng lực tham gia thực hiện tư vấn định giá đất của 343 dự án trên địa bàn.
15,5 tỉ đồng thuê định giá đất
Theo Sở TN-MT, 240/343 trường hợp nêu trên cần thuê tư vấn định giá đất, gồm: 207 trường hợp định giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, 31 trường hợp định giá đất để thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, 2 trường hợp xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Dự kiến tổng kinh phí thuê tư vấn định giá đất là 15,5 tỉ đồng.
Trong các trường hợp phải định giá đất có nhiều dự án "khủng", kéo dài nhiều năm nay gây bức xúc dư luận như: Xây dựng kè và đường dọc sông Cái Nha Trang, khu dân cư Cồn Tân Lập (người dân khiếu kiện, lãnh đạo chủ đầu tư đã bị khởi tố); khu đô thị (KĐT) Hoàng Long (liên quan vụ án ông Lê Huy Toàn, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, phải hầu tòa); KĐT Lê Hồng Phong 1, KĐT Lê Hồng Phong 2, Hà Quang (bị người dân khiếu kiện vì chậm giao sổ đỏ do điều chỉnh quy hoạch); khu biệt thự sinh thái Đồi Xanh (xây dựng sai phép)...
Riêng ở TP Nha Trang, hàng loạt dự án với quy mô hàng trăm tỉ đồng cũng chưa được định giá đất như: Champarama Resort & Spa, Làng biệt thư sinh thái Giáng Hương, KĐT Mipeco Nha Trang, KĐT sinh thái Vĩnh Trung.
Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, nơi được quy hoạch thành nơi nghỉ dưỡng tầm quốc gia, hàng loạt dự án hàng chục triệu USD cũng chung số phận như: Ana Mandara, KĐT Hưng Thịnh, Tropicara Resort, khu resort và khách sạn Đỉnh Vàng Nha Trang...
Về việc chậm định giá đất, nhiều doanh nghiệp rất bức xúc. Bà Võ Khánh Yên, đại diện Công ty CP Bất động sản Hà Quang, cho biết vừa gửi văn bản lần thứ hai đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa trả 150 tỉ đồng mà doanh nghiệp đóng ký quỹ trước về quyền sử dụng đất của 4,8 ha thuộc KĐT Lê Hồng Phong II vào các năm 2017, 2018 để làm sổ đỏ cho 300 hộ dân.
Theo quy trình, UBND tỉnh Khánh Hòa phải phê duyệt số tiền sử dụng đất của dự án là bao nhiêu để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, sau đó UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất đối với dự án. Từ đó, chủ đầu tư làm thủ tục để khách hàng mua nhà đất trong dự án được cấp sổ đỏ. "Người dân liên tục yêu cầu chủ đầu tư phải ra sổ đỏ. Để sớm giải quyết, chúng tôi đã đóng trước 150 tỉ đồng nhưng mấy năm rồi mà tỉnh vẫn chưa phê duyệt tiền sử dụng đất của dự án. Ngay cả giá đền bù giải phóng mặt bằng cũng chưa có nên chưa thể đền bù cho dân" - bà Yên nói.
Thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa gần như tê liệt vì vướng khâu định giá đất
Tháo điểm nghẽn
Hiện nay có 2 việc khiến doanh nghiệp như ngồi trên lửa. Thứ nhất, việc thanh tra, kiểm tra, kỷ luật nhiều nhân sự cấp cao ở Khánh Hòa ảnh hưởng rất lớn đến khâu giải quyết những thủ tục liên quan dự án. Thứ hai, công tác định giá đất không có khiến thị trường bất động sản gần như tê liệt.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, cho rằng để hồi phục thị trường bất động sản sau dịch Covid-19, cần có thời gian dài, trong khi quá trình hoàn thiện và sửa đổi các luật liên quan vẫn còn nhiều bất cập. Điểm nghẽn lớn nhất hiện tại là công tác định giá đất. Con số 343 dự án là khá lớn, nếu không khơi thông được thì các dự án gần như không thể triển khai.
Trong khi đó, theo bà Võ Khánh Yên, hàng trăm dự án cần được thẩm định giá đất nhưng công tác thẩm định giá cũng gặp khó do các công ty thẩm định giá đất không đáp ứng được yêu cầu, chất lượng thẩm định cũng chưa ổn. Một dự án khi thẩm định giá đất phải thuê 2-3 đơn vị thẩm định thì mới bảo đảm khách quan. Như vừa rồi, đất thuộc dự án của Hà Quang có một đơn vị thẩm định nhưng Sở Tài chính đề nghị một đơn vị khác.
Cầu cứu Bộ Tài chính
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ý kiến hướng dẫn việc xác định giá đất đối các dự án KĐT, khu dân cư mới có thay đổi quy mô, diện tích quy hoạch. Theo UBND tỉnh, hội đồng thẩm định giá đất báo cáo gặp nhiều vướng mắc khi xác định lại giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất chênh lệch do điều chỉnh quy hoạch chi tiết.