Những cú cán đích ngoạn mục
Đầu tiên phải kể đến cú vượt đích của Hóa chất Đức Giang (DGC), nhờ sáp nhập với Hóa chất Đức Giang Lào Cai mà DGC báo lãi quý 4 lên tới 259 tỷ đồng cao gấp 2,7 lần cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2018 lợi nhuận trước thuế đạt 915,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5,5 lần so với năm trước và cao gấp hơn 20 lần kế hoạch tương đương EPS năm 2018 đạt 7.674 đồng/CP. Trong 5 năm tới Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD/ năm và lợi nhuận hàng năm tăng trưởng 20%. Theo đó chẳng mấy chốc DGC sẽ ra nhập câu lạc bộ nghìn tỷ.
Thua lỗ trong năm 2017 và mục tiêu đặt ra cho năm 2018 chỉ là lãi 5,42 tỷ đồng nhưng kết quả S99 đã báo lãi tới gần 46 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ tiết kiệm giá vốn. S99 cũng đã có suốt cả 4 quý đầy nỗ lực khi duy trì doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng – con số lãi trong năm 2018 cũng là mức lãi cao nhất mà S99 đạt được trong lịch sử hoạt động của công ty.
Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) có mức lợi nhuận sau thuế thu về 236 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2017, ghi nhận mức lãi cao nhất từ khi lên sàn đến nay. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ghi nhận mức 10.358 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm 2018, ACL đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đồng. Như vậy với kết quả đạt được, ACL đã vượt 30% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận tới 7,5 lần.
Ngoài ACL còn có các doanh nghiệp thủy sản khác cũng đã công bố tỷ lệ hoàn thành vượt kế hoạch ở mức cao như Nam Việt (ANV) lãi ròng đạt hơn 600 tỷ đồng cao gấp 4,2 lần so với năm 2017 và vượt tới 140% mục tiêu về lợi nhuận. Sang năm 2019, Navico dự doanh số 6.000 tỷ, lãi sau thuế 700 tỷ đồng và cổ tức bằng tiền dự kiến 20%. Đồng thời, Công ty cũng ước tính con số lợi nhuận 2020 dự chạm mốc 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó là Vĩnh Hoàn (VHC) đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 1.452 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt 15.585 đồng. Năm 2018, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch lãi sau thuế 620 tỷ đồng và với kết quả thực hiện, công ty đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) cũng đã gây bất ngờ khi suốt 3 quý đầu năm kinh doanh lẹt đẹt thì bất ngờ đến quý 4 báo lãi hơn 49 tỷ đồng cao gấp 35 lần cùng kỳ và đóng góp chủ yếu vào kết quả lãi hơn 50 tỷ đồng của cả năm 2018, với mục tiêu chỉ là lãi 7,8 tỷ đồng nên IDJ cũng đã vượt 541% kế hoạch cả năm 2018. Đây cũng là con số lãi cao nhất mà IDJ đạt được kể từ năm 2010 đến nay.
Trong danh sách lãi vượt xa kế hoạch đáng chú ý có sự góp mặt của các doanh nghiệp ngành than là Than Hà Tu (THT) vượt 428%, Than Đèo Nai (TDN) vượt 262%, Than Núi Béo (NBC) vượt 215%, Than Vàng Danh (TVD) vượt 109% và Than Hà Lầm (HLC) vượt 104% trong đó phần lớn lý do giúp các doanh nghiệp ngành than lãi lớn trong năm 2018 là nhờ khai thác than chất lượng tốt, sản lượng tiêu thụ tăng cao.
Các ông lớn cũng vượt kế hoạch
Đáng chú ý trong danh sách lãi vượt kế hoạch còn có sự góp mặt của các ông lớn "đình đám" như VCB, GAS, HPG, TCB, BID, MBB, VJC, ACB, MSN, SAB… Đây đều là các doanh nghiệp nằm trong danh sách lãi nghìn tỷ trong năm 2018 trên sàn chứng khoán. Trong đó việc chỉ đặt ra mục tiêu lãi 13.000 tỷ đồng hồi đầu năm, trong khi trên thực tế Vietcombank lãi tới 18.300 tỷ đã giúp ông lớn của ngành ngân hàng vượt 41% kế hoạch. Hay như ACB đặt ra mục tiêu tăng trưởng gấp đôi hồi đầu năm, nhưng thực tế lợi nhuận của nhà băng này còn tăng tới 2,4 lần đạt 6.388 tỷ đồng.
Đáng chú ý ngoại trừ SAB, CTD và BVH báo lãi 2018 sụt giảm so với 2017 thì các doanh nghiệp còn lại đều đạt mức tăng trưởng so với 2017 trong đó thậm chí ACB, GMD và VHC còn có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Nói về mục tiêu mà các doanh nghiệp này đặt ra trong năm 2018 thì cũng có hai chiều trái ngược trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tăng trưởng thì vẫn có 9/25 doanh nghiệp trong nhóm này lên mục tiêu kinh doanh thận trọng trong đó như trường hợp của ông vua khí GAS đã thu về mức lãi cả năm 12.102 tỷ, tăng 25% so với năm 2017 và vượt 5.673 tỷ đồng so với kế hoạch 2018. Được biết, kế hoạch GAS đề ra dựa trên cơ sở giá dầu 50 USD/thùng, tuy nhiên năm qua giá dầu tăng mạnh.
Tương tự là trường hợp của Vietjet (VJC) với mục tiêu lãi giảm hơn 700 tỷ đồng so với 2017 nhưng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không và doanh thu phụ trợ nên kết thúc năm VJC cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Hay như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi nhận 1.449 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế – tăng 44% và lợi nhuận sau thuế 1.155 tỷ đồng – tăng 35% so với năm trước. So với kế hoạch lãi trước thuế 735,6 tỷ đồng, PPC đã hoàn thành gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra trong năm 2018.
Ngoài ra trong câu chuyện vượt kế hoạch của năm 2018 còn có những lý do khác như vượt kế hoạch nhờ đặt mục tiêu thấp, ví dụ trường hợp của Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), do không còn khoản doanh thu tài chính đột biến như năm trước, nên lợi nhuận sau thuế đạt 635,5 tỷ đồng, giảm sâu đến 61% so với lợi nhuận đạt được năm 2017, nhưng cũng đủ giúp công ty hoàn thành và vượt 29,4% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Một số trường hợp khác lãi vượt kế hoạch là nhờ sự góp sức của hoạt động khác ví dụ Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC) báo lãi 2018 đạt hơn 28 tỷ đồng vượt 61% kế hoạch chủ yếu nhờ việc chuyển nhượng dự án Cụm chung cư Timexco tại phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM). Cao su Phước Hòa (PHR) cũng vượt 107% kế hoạch cả năm 2018 trong đó nguồn thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận của PHR.
Hiện thị trường lại đang bước vào mùa đại hội cổ đông thường niên 2019 và câu chuyện về việc năm nay các doanh nghiệp sẽ đặt mục tiêu kinh doanh như thế nào sẽ lại là tâm điểm của thị trường. Dù mục tiêu đưa ra là cao hay thấp, là thận trọng hay tham vọng thì chắc chắn một điều đến cuối năm thông tin vượt kế hoạch vẫn sẽ làm nức lòng giới cổ đông.