Theo Furniture Today, trong năm 2020, Việt Nam đã xuất 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019, vượt qua Trung Quốc với 7,33 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong cùng kỳ. Mức xuất khẩu này của Trung Quốc đã giảm 25% so với năm 2019.
Furniture Today cho rằng, mặc dù khoảng cách không lớn, nhưng vị trí của Việt Nam trên thị trường toàn cầu đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội thất trong những năm vừa qua.
Đặc biệt, mới đây, dữ liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu đồ nội thất gỗ từ thị trường Việt Nam nhiều nhất, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.
Sự tăng trưởng của mặt hàng đồ nội thất gỗ diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng mạnh của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Theo số liệu được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2021 đem về 750 triệu USD, lũy kế 9 tháng đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với 3 quý tương ứng của năm ngoái.
Trong đó, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu 6,7 tỷ USD giá trị gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
Đây là cơ sở để Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Thỏa thuận này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép. Việc ký thoả thuận sẽ thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, đặc biệt là trong dịp cuối năm. Tổng nhu cầu có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng 6-7%. Như vậy, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ sẽ là rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.