Bộ NN&PTNT vừa cho biết, trong tháng 2, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,8 tỷ USD (tăng gần 26%); chăn nuôi đạt 29 triệu USD (tăng 46,5%), đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%),…Tuy nhiên, nhóm lâm sản chính chỉ đạt khoảng 872 triệu USD (giảm 10,7%) và thủy sản đạt 550 triệu USD (giảm 13,1%)...
Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,3 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kéo lùi mức tăng trưởng của ngành phải kể đến một số mặt hàng chủ lực như cà phê (giảm 14,6%), cao su (giảm 23,1%), gạo (giảm 10,8%), hạt điều (giảm 14,3%), cá tra (giảm 64%), tôm (giảm 55%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt (giảm 34,8%)...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng, xuất siêu hàng nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 559 triệu USD, giảm 68,5%.
Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sau khi tỏa sáng trong năm 2022 đang bắt đầu giảm mạnh.
Đáng chú ý, Trung Quốc bất ngờ vươn lên trở thành thị trường số 1 nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần). Đứng thứ 2 là Mỹ với khoảng 1,2 tỷ USD (chiếm 19% thị phần); tiếp đến là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD (chiếm 9%) và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 302 triệu USD (chiếm 4,8%).
Bộ NN&PTNT cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, để đạt được mục tiêu 55 tỷ USD là nhiệm vụ thách thức. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bộ này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với Hải quan Nam Ninh, Hải quan Vân Nam Trung Quốc để kết nối, xúc tiến thương mại; cập nhật, tháo gỡ các vướng mắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản.