Thủ đô Tokyo của Nhật sẽ mất vị trí là thành phố đông dân nhất thế giới cho Jakarta (Indonesia) vào năm 2030, Bloomberg dẫn báo cáo mới nhất của Euromonitor International cho biết.
Dân số của Jakarta, thủ đô của Indonesia, được dự báo sẽ đạt 35,6 triệu người vào năm 2030, tăng thêm 4,1 triệu người so với năm 2017. Euromonitor cho biết trong báo cáo. Trong khi đó, dân số của Tokyo được dự báo giảm khoảng 2% xuống còn 35,2 triệu người do già hóa. Đứng vị trí thứ 3 là thành phố Karachi của Pakistan, theo sau lần lượt là Manila (Philippines) và Cairo (Ai Cập).
Bùng nổ dân số sẽ gây ra nhiều thách thức cho Jakarta, nơi giao thông vốn bị xếp hạng là tồi tệ thứ 3 thế giới, theo chỉ số của TomTom. 6 siêu thành phố mới (có dân số ít nhất 10 triệu người) vào năm 2030 gồm Chicago (Mỹ), Bogota (Colombia), Chennai (Ấn Độ), Baghdad (Iraq), Luanda (Angola) và Dar es Salaam (Tanzania), Euromonitor dự báo.
Theo báo cáo trên, trong khi các thành phố tại các nền kinh tế mới nổi ngày càng trỗi dậy, những thành phố ở các nước phát triển vẫn sẽ giàu có hơn và duy trì vị trí là những thị trường tiêu dùng chủ chốt trong tương lai. Tổng thu nhập khả dụng tại một siêu thành phố phát triển sẽ cao gấp 5 lần so với siêu thành phố tại một nền kinh tế mới nổi vào năm 2030, Euromonitor dự báo.
"Các thị trường tiêu dùng chủ chốt trong tương lai sẽ vẫn nằm tại các siêu thành phố phát triển, với thu nhập cao hơn cùng cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở và y tế tiên tiến hơn", Fransua Vytautas Razvadauskas, nhà phân tích cao cấp của Euromonitor nói.
Euromonitor cũng dự báo vào năm 2030, 9% dân số thế giới sẽ sống tại 39 siêu thành phố.