Các công ty chứng khoán tiếp tục bứt phá với lợi nhuận đạt cao trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, triển vọng đã bớt sáng khi mà thanh khoản sụt giảm trong khoảng 2 tuần qua khi mà sự thận trọng lên cao.
CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng vừa công bố báo cáo quý II với doanh thu thuần đạt 879 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh tổng trong 6 tháng, VCI đạt 1.660 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ, hoàn thành 81% kế hoạch năm.
Riêng trong quý II, VCSC báo lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Trong nửa năm, doanh nghiệp của bà Phượng đạt 868 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,2 lần và đạt 69% kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Doanh thu và lợi nhuận của Chứng khoán Bản Việt tăng mạnh nhờ thị trường sôi động. Hoạt động môi giới mang về khoản thu lớn.
Về mảng ngân hàng đầu tư, VCSC chưa ghi nhận doanh thu từ các thương vụ lớn như bán 49% cổ phần FE Credit cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation, thương vụ IPO và niêm yết CTCP Dịch vụ BĐS Đất Xanh và thương vụ Masan Group mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage.
Bà Nguyễn Thanh Phượng, chủ tịch VCSC. |
Cùng với sự sôi động trên TTCK, nhiều CTCK báo lãi quý II tăng mạnh so với cùng kỳ.
Chứng khoán Everest (EVS) ghi nhận lãi quý II tăng gấp gần 7 lần cùng kỳ lên 104 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 3,8 tỷ đồng.
Chứng khoán Agribank - Agriseco (AGR) ước lãi trước thuế lũy kế 6 tháng sẽ trong khoảng 160 tỷ đồng, gấp đến hơn 3 lần so với mức 53 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
CTCK Techcombank (TCBS) ước tính lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, TCBS thu lãi khoảng 1.844 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Chứng khoán Rồng Việt - VDSC (VDS) báo lãi sau thuế ước tính đạt hơn 245 tỷ đồng, vượt đến 70% kế hoạch năm 2021 và bằng 18,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà VDSC đạt được kể từ khi thành lập cho đến nay.
Trong bối cảnh TTCK sôi động, nhiều CTCK đưa ra phương án tăng vốn.
Hồi cuối tháng 5, Chứng khoán Bản Việt (VCI) của chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng đã thông qua Nghị quyết phát hành tăng vốn. Theo đó, VCI sẽ phát hành 166,5 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ thực hiện là 1:1 từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính kiểm toán 2020.
Vốn điều lệ dự kiến của VCI sẽ tăng gấp đôi từ mức 1.665 tỷ lên 3.330 tỷ đồng. Giá cổ phiếu tăng mạnh và vốn hóa tăng cao là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng quy mô phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài.
Trước đó, Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán Tp.HCM (HCM), Chứng khoán Đà Nẵng (DSC),... cũng đã thông qua các kế hoạch phát hành thêm hay bán bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn.
Chứng khoán SSI (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng cũng sắp trình phương án phát hành thêm gần 47 triệu cổ phần để thực hiện chuyển đổi 1.150 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu theo yêu cầu của trái chủ.
Không chỉ phát hành tăng gần gấp 2 lần vốn, Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng còn lên kế hoạch huy động 750 tỷ trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động công ty: bổ sung vốn cho HĐKD trái phiếu chính phủ, thanh toán phí liên quan đến đợt phát hành trái phiếu, bổ sung vốn chi hoạt động thường xuyên.
Chứng khoán Bản Việt tăng giá mạnh thời gian gần đây nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh 2021. VCI đặt kế hoạch doanh thu 2.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng, tăng tương ứng 18,5% và 31% so với 2020.
Chỉ số chứng khoán Vn Index 22/7
Mở đầu buổi sáng 22/7, các cổ phiếu tiếp tục biến động với biên độ thấp hơn trong bối cảnh áp lực bán giảm nhưng sức cầu cũng không cao. Các nhà đầu tư thận trọng cầm tiền chưa đẩy mạnh giải ngân.
Chỉ số VN-Index mở cửa giảm khoảng 1 điểm xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm. Hầu hết các cổ phiếu trụ cột giảm nhẹ. Nhóm ngân hàng, bất động sản và chứng khoán cũng giảm nhẹ. Thanh khoản trên thị trường thấp.
Theo Agriseco, thanh khoản trên thị trường sụt giảm cho thấy tâm lý thận trọng vẫn là chủ đạo và một lượng tiền lớn đang đứng ngoài thị trường. Agriseco Research nhận định với mức thanh khoản suy yếu và độ rộng thị trường ở trạng thái trung lập như hiện tại, nhiều khả năng VN-Index sẽ vận động trong vùng tích lũy 1.250-1.300 điểm thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 21/7, chỉ số VN-Index giảm 2,5 điểm xuống 1.270,79 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,3 điểm xuống 300,8 điểm. Upcom-Index tăng 0,61 điểm lên 84,3 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 18 nghìn tỷ đồng.
V. Hà