Hiện nay, nhà vườn trồng cây thanh long ở tỉnh Tiền Giang rất lo lắng trước tình trạng giá trái cây này sụt giảm thấp nhất từ trước đến nay. Hàng nghìn tấn trái không tiêu thụ được, giá thấp, nguy cơ hư hại cao do không có hệ thống bảo quản. Bên cạnh các yếu tố khách quan thì việc nhà vườn trồng theo “phong trào”, không theo quy hoạch đã gây ra hệ lụy.
Những ngày này, bà Lê Ngọc Bửu, nhà vườn ở ấp Tân Bình 2, xã Tân Thuận Bình cũng như hàng nghìn nông dân khác ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang như ngồi trên đống lửa vì trái thanh long rớt giá thê thảm. Bà Bửu cho biết, ở thời điểm này năm ngoái, giá trái thanh long ruột đỏ ở mức trên 30.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giá 12.000 đồng/kg. Còn hiện nay, trái thanh long ruột đỏ (loại 1) giá sụt còn 2.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 1.000 đồng/kg. Đối với loại 2 trở xuống, thương lái không mua, phải cắt bỏ cho bò, dê ăn.
Nhà vườn xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo thu hoạch những trái trái thanh long chín mọng nhưng chưa có đầu mối tiêu thụ
|
“Gia đình tôi trồng thanh long 4 năm rồi mà năm nay giá quá thấp, không đủ trả tiền vật tư. Giá có 1.000-2.000 đồng/kg, loại 2 bỏ cho bò ăn, lỗ nặng. Tôi đề nghị cấp trên giải quyết đầu ra cho dân đỡ khổ”, bà Bửu nói.
Đến các vùng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, như: Quơn Long, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An… có hàng trăm tấn trái thanh long chín ế ẩm, vứt bỏ ven lề đường, nơi công cộng hay bỏ xuống sông rạch... Một số hộ dùng trái thanh long để cho bò, dê, cá ăn nhưng cũng không giải quyết được lượng trái tồn đọng.
Thanh long ruột đỏ chỉ có giá tối đa 2.000 đồng/kg |
|
Theo ngành chức năng và doanh nghiệp thu mua trái thanh long, đầu ra của trái cây này đang ứ đọng là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện nay, vào vụ thuận, cây thanh long đạt năng suất trên 25 tấn/ha, sản lượng trái thanh long tăng; trong khi đó việc tiêu thụ trái cây này chỉ có một vài thị trường truyền thống.
Hơn nữa, gần đây diện tích cây thanh long ở tỉnh Tiền Giang tăng vọt. Ngoài 6.000 ha cây thanh long ở huyện Chợ Gạo, nông dân các địa phương khác trong tỉnh cũng ồ ạt dùng đất lúa để trồng cây thanh long; thậm chí ở vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, vùng ngọt hóa Gò Công cũng có đến hàng nghìn ha cây thanh long nằm ngoài quy hoạch. Tình trạng “cung” vượt "cầu” dẫn dẫn đến rớt giá thê thảm.
Trái thanh long tồn đọng tại một cơ sở thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo |
|
Ông Lê Văn Lập, nông dân trồng thanh long lâu năm ở ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cho biết, với mức giá mùa mưa phải hơn 6.000 đồng/kg, mùa nắng hơn 10.000 đồng/kg thì người trồng cây thanh long mới có lãi. Do đó, vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ là quan trọng để ổn định đầu ra của loại trái cây này.
“Để phát triển bền vững cây thanh long, tôi kiến nghị cấp trên xem lại tình hình xuất khẩu; đừng lệ thuộc vào thị trường một nước, mở rộng đầu ra trái thanh long. Ví dụ như mở rộng xuất khẩu ra các nước khác như: Mỹ, Nhật… để cứu trái thanh long hiện nay giá quá thấp. Làm sao quy hoạch vùng trồng cây thanh long để đừng có cung vượt cầu. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho nông dân làm trái thanh long sạch để xuất khẩu bền vững”, ông Lập kiến nghị.
Người dân đổ bỏ lượng trái thanh long bị ế |
|
Thực tế cho thấy, các mô hình trồng thanh long “sạch” theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap ở tỉnh Tiền Giang khi có sự hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã thì đầu ra của trái thanh long rất ổn định, xâm nhập được các thị trường khó tính. Tuy nhiên, quy mô sản xuất theo mô hình này còn nhỏ, chỉ có vài trăm ha, chưa nhân rộng.
Điển hình như tại Hợp tác xã Thanh Long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo đã phát triển được hơn 100 ha thanh long Viet Gap. Mỗi ngày, có hàng chục tấn trái xuất sang thị trường Mỹ. Hay doanh nghiệp Cát Tường ở xã Đạo Thạnh, Thạnh phố Mỹ Tho cũng đã đưa một sản lượng lớn trái thanh long xuất khẩu sang thị trường khó tính với giá trị cao.
Đống trái thanh long bị vứt bỏ bên đường gây ô nhiễm môi trường |
|
Do đó, để “cứu vãn” trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương vùng ĐBSCL thì vấn đề liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định là rất cần thiết. Trong đó vai trò “làm nhạc trưởng” của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương hết sức quan trọng.
“Để trái thanh long huyện Chợ Gạo ổn định đầu ra thì nhà nước phải có định hướng, chính sách rõ ràng, có cơ chế cho trái thanh long. Việc làm đầu tiên là phải xây dựng được các hợp tác xã để sản xuất hàng hóa ổ định, có nề nếp, chất lượng. Từ chất lượng đó, mới xuất khẩu được sang thị trường khó tính, lúc đó sản phẩm của mình sản xuất đều đặn và chất lượng ổn định, thị trường chấp nhận. Lúc đó, nông dân mới ổn định đời sống”, ông Huỳnh Hồng Ửng, thành viên Tổ hợp tác sản xuất trái thanh long tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo nêu ý kiến.
Trái thanh long loại 2, nhà vườn không bán được chỉ cho bò, dê ăn |
|
Để trái thanh long thuận lợi trong xuất khẩu, ngoài việc xây dựng thương hiệu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút thị trường xuất khẩu thì vấn đề chất lượng trái mà người nông dân làm ra phải được nâng lên. Trước tình trạng thanh long rớt giá hiện nay, nhà vườn phải tự đổi mới phương thức canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn Gap.
“Bà con nên suy nghĩ, xuất khẩu sắp tới phải có thị trường rộng, lớn. Muốn vậy bà con phải gắn bó với các chương trình của Nhà nước khyến cáo; thí dụ như làm chương trình VietGap trên cây thanh long. Đó là bước ban đầu để bà con có thể học các phương pháp mới, tiến bộ phù hợp với thị trường thế giới. Hiện Huyện ủy Chợ Gạo có Nghị quyết đến năm 2020 phải đạt 2.000ha VietGap trên cây thanh long”, kỹ sư Châu Văn Đức, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chợ Gạo nói.
Hàng loại cơ sở thu mua trái thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo phải đóng cửa vì không có đầu ra (Ảnh: Nhật Trường) |
|
Chuyện đầu ra trái thanh long hay các loại nông sản khác vùng ĐBSCL bấp bênh, không phải là mới. Tuy nhiên, trước hàng trăm tấn trái thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang không tiêu thụ được, phải vứt bỏ như hiện nay, tiếp tục là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhà vườn, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quy hoạch vùng trồng, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ để tránh lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá”./.