Wall Street Journal đưa tin, theo giới chức Mỹ và Trung Quốc, các nhà đàm phán thương mại 2 bên đang lên kế hoạch cho việc hoãn áp thuế bổ sung vào ngày 15/12. Trong khi đó, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề Bắc Kinh sẽ cam kết mua nông sản Mỹ với số lượng và quy mô như thế nào.
Trong những ngày gần đây, quan chức của Washington và Bắc Kinh đã đưa ra dấu hiệu rằng ngày 15/12 không phải là ngày họ đưa ra thoả thuận giai đoạn 1, dù đây là hạn chót cho mức thuế bổ sung đối với 165 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Thời hạn này có thể sẽ được kéo dài, khi 2 bên đang gần tiến đến thoả thuận.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc tham gia đàm phán cho biết họ không quá khắt khe về hạn chót. Hôm thứ Sáu, cố vấn kinh tế Nhà Trắng - Larry Kudlow, cũng nói rằng hạn chót thuế quan không phải là yếu tố được "tuỳ hứng" đưa ra. Lời bình luận của ông Kudlow cũng phản ánh quan điểm của Tổng thống Trump và được nhiều quan chức Mỹ nhắc lại.
Trong bối cảnh 2 nước đều đưa ra dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra sau ngày 15/12, thì ông Trump đã đưa ra những lời đe doạ công khai về một cuộc chiến thương mại kéo dài, đồng thời xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của ông Trump, gần đây cũng nỗ lực can thiệp và cố gắng giúp cả 2 bên đạt được thoả thuận thương mại.
Tuy nhiên, đến hiện tại, Tổng thống Trump vẫn chưa quyết định về vấn đề này và nhiều lần đề nghị các cố vấn nâng thuế. Hơn nữa, vấn đề gây cản trở lớn nhất cho các cuộc đàm phán là việc Washington yêu cầu Trung Quốc phải cam kết mua thêm đậu tương, gia cầm và các loại nông sản khác của Mỹ.
Đối với Mỹ, thoả thuận mua nông sản chính là trọng tâm của thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Ông Trump cũng nói rõ ràng rằng việc đảm bảo Trung Quốc mua thêm nông sản là ưu tiên hàng đầu trong việc ký kết thoả thuận giai đoạn 1 với Bắc Kinh. Theo đó, nông dân Mỹ sẽ được hưởng lợi và đây cũng chính là nhóm cử tri rất quan trọng đối với ông trong chiến dịch tái tranh cử vào năm tới.
Các vấn đề khác cũng là yếu tố cốt lõi của của chiến tranh thương mại, đó là trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các công ty trong nước và áp lực đối với các công ty công nghệ Mỹ khi chuyển giao công nghệ. Các vấn đề này phần lớn đang bị hoãn lại cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Cụ thể, theo nguồn tin thân cận, đoàn đàm phán Mỹ, do Đại diện Thương mại - ông Robert Lighthizer dẫn đầu, đã yêu cầu Trung Quốc cam kết thực hiện thoả thuận mua nông sản. Phía Trung Quốc lại muốn làm rõ số lượng nông sản sẽ đi kèm với việc thuế quan sẽ được dỡ bỏ ở mức nào. Hiện tại, vẫn chưa biết Mỹ sẽ đưa ra động thái gì đối với yêu cầu này, dù Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nói rằng Trung Quốc đã cam kết mua 40 tỷ USD đến 50 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm.
Ngoài ra, nguồn tin này còn tiết lộ, phía Mỹ đang gây áp lực cho Trung Quốc, yêu cầu nước này phải nêu chi tiết trong văn bản của thoả thuận rằng sẽ có đánh giá hàng quý về thoả thuận mua nông sản, đảm bảo số lượng không giảm xuống mức 10% ở bất kỳ quý nào. Đoàn đàm phán Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, đã phản đối và cho rằng thoả thuận trên sẽ vi phạm các quy tắc của WTO và gây căng thẳng cho mối quan hệ của Trung Quốc với các đối tác thương mại khác.
Đoàn đàm phán của ông Lưu đã rất nỗ lực để thuyết phục Mỹ không những hoãn thuế bổ sung có hạn chót là 15/12, mà còn giảm bớt mức thuế đối với 360 tỷ USD hàng hoá. Tuy nhiên, ông Lighthizer cho đến nay vẫn kiên quyết rằng Mỹ sẽ không dỡ bỏ thuế quan, bởi đây chính là yếu tố được coi là "chìa khoá" để ép Trung Quốc ký kết thoả thuận thương mại.
Theo dự kiến, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 15% với khoảng 165 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc vào ngày 15/12, trừ khi 2 bên đạt được thoả thuận, hoặc Tổng thống Trump quyết định hoãn thuế để tiếp tục đàm phán. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hoá như điện thoại di động, laptop, đồ chơi và quần áo.
Tham khảo WSJ