Trong một báo cáo gần đây, WB dự báo Việt Nam có thể đưa công suất điện năng từ mặt trời lên hàng chục GW và tạo ra 45.000 việc làm mỗi năm vào năm 2030 nếu chuyển sang hình thức đấu thầu cạnh tranh thay vì sử dụng các biểu giá FiT như hiện tại.
Lời khuyến nghị nên từ bỏ hình thức bán lưới điện mặt trời FiT được đưa ra sau khi mức giá bán đã gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai, làm tắc nghẽn lưới điện vào năm ngoái, đặc biệt là xung quanh các khu vực có bức xạ mặt trời lớn như ở các tỉnh thành miền Nam. WB cũng lưu ý, các nhà hoạch định chính sách đã có sự lúng túng khi công suất điện mặt trời lên tới 4,5 GW, gấp 5 lần so với kế hoạch.
Cũng theo WB, để tận dụng tối đa công suất lưới điện thì việc chuyển sang hình thức đấu thầu là cần thiết. Việc chuyển đổi này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến cách đây 3 tháng. Ông cũng có những phê phán thẳng thắn về cách vận hành giai đoạn đầu của điện mặt trời theo cơ chế giá FiT.
Với sự trợ giúp của WB, Việt Nam sẽ thử nghiệm đấu thầu khoảng 1 GW điện mặt trời vào cuối năm nay. Một nửa trong số đó sẽ được đấu thầu cho các dự án được chọn trước, nửa còn lại sẽ được dành cho các trạm biến áp cụ thể. Điều này nhằm đảm bảo vị trí các lưới điện quan trọng được ưu tiên.
Các chương trình trên đều nhằm mục đích giảm thiểu sự rủi ro trong phát triển lưới điện của các nhà sản xuất điện độc lập (IPPs), do đó có thể giảm phần bù rủi ro trong tổng cấu thành chi phí vốn. Kết quả chính được mong đợi là thuế từ hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ giảm.
Tuy nhiên, WB cũng cho rằng Việt Nam không thể đảm bảo việc cung cấp năng lượng mặt trời suôn sẻ chỉ bằng cách chuyển sang đấu thầu điện. Việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng, cụ thể về công suất vẫn đóng vai trò then chốt để đảm bảo sự yên tâm cho các nhà đầu tư với một tầm nhìn dài hạn.
Báo cáo đã chỉ ra, ban đầu Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất điện mặt trời cho năm 2020 là 850 MW và 2025 là 4 GW, sau đó là 12 GW vào năm 2030. Theo các tài liệu, Nhà nước đã thảo luận về mục tiêu tăng công suất lên 18 GW vào năm 2030 nhưng các chiến lược cụ thể vẫn đang phải xem xét.
Ngoài việc đặt mục tiêu phù hợp, WB cũng gợi ý cần phải có một khung pháp lý rõ ràng để giúp hình thức đấu thầu điện mặt trời thành công. Cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong thị trường. Từ Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực (EVN) tới các chính quyền địa phương… đều nên phối hợp với nhau để tạo nên thành công cho các cuộc đấu thầu điện mặt trời.
Nếu giải quyết được ổn thỏa các vấn đề, Việt Nam có thể gặt hái được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cũng như môi trường từ quá trình chuyển đổi khai thác điện mặt trời. Theo số liệu từ WB, sự thay đổi này có thể tạo ra 45.000 việc làm mỗi năm vào năm 2030.