Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì bền vững trong trung hạn. Tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5% với khả năng tăng cao hơn ngoài dự kiện trong ngắn hạn, nhất là khi quá trình phục hồi trên toàn cầu vẫn diễn ra.
Giải thích cho dự đoán khá thận trọng của mình, WB cho rằng nông nghiệp 2017 Việt Nam phục hồi mạnh do đó năm 2018 khó đạt mức tăng trưởng bứt phá từ nền cao đó.
Ảnh: Soha
Nhận định về con số tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm đạt tới 7,38%, ông Đinh Tuấn Việt, Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc WB cho rằng, "Sở dĩ quý I tăng trưởng cao như vậy là do được so sánh với nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Hiện WB đang đánh giá liệu đây có phải là đà tăng trưởng "gia tốc" ảnh hưởng từ 6 tháng cuối năm 2017 hay đây là khởi đầu của năm tăng trưởng bứt phá năm 2018".
Mặc dù lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải nhờ môi trường giá cả toàn cầu thuận lợi, nhưng mức lương tăng mạnh có thể sẽ khiến lạm phát lõi tăng lên. Cán cân kinh tế đối ngoại dự kiến vẫn được củng cố nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu duy trì mạnh mẽ. Về tình hình tài khóa, cắt giảm bội chi kết hợp với thoái đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ kiềm chế nợ công trong trung hạn.
WB đồng thời cảnh báo dù triển vọng kinh tế ngắn hạn nhìn chung thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Cải cách cơ cấu chậm có thể làm quá trình phục hồi hiện nay bị suy yếu và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn. Nhìn từ bên ngoài, độ mở thương mại và mức độ đầu tư nước ngoài khá cao khiến nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt rủi ro với chủ nghĩa bảo hộ.
Theo WB, rủi ro chiến tranh thương mại sẽ gây nhiều bất ổn với kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng thương mại năm 2018 sẽ ảnh hưởng lớn mặc dù được dự báo sẽ nối tiếp thành quả năm 2017. Đặc biệt đối với những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, chiến tranh thương mại sẽ tác động lớn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Những rủi ro này đòi hỏi phải có những bước tiếp theo nhằm nâng cao khả năng kháng chịu về kinh tế vĩ mô. WB kiến nghị cần tiếp tục cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng cường dự trữ ngoại tệ, áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và các cân đối vĩ mô thích hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý và tạo dựng lớp đệm về vốn trong khu vực ngân hàng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng suất và tốc độ tăng trưởng tiềm năng, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố yếu tố sản xuất.