Trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương mùa xuân năm 2022 mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương từ 5,4% hồi tháng 10 xuống 5%. Ngoài ra, tổ chức này cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại xuống mức 4% nếu khu vực này phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn nữa.
Dự báo tăng trưởng được cập nhật gần đây nhất cho thấy Đông Á - Thái Bình Dương bị tác động bởi chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine, lãi suất ở Mỹ tăng và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Ngoài ra, WB cũng cho biết những cú sốc của chuỗi cung ứng tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất và đẩy giá các loại hàng hoá lên cao.
Theo WB, Trung Quốc - chiếm tới 86% sản lượng của khu vực này, dự kiến sẽ tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ sở và 4% trong kịch bản tiêu cực. Tổ chức này cảnh báo, kịch bản sau sẽ khiến thêm 6 triệu người mắc kẹt trong cảnh nghèo đói với mức thu nhập 5,50 USD/ngày.
Trong bản báo cáo, WB cho biết các doanh nghiệp ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc cung và cầu mới. Đồng thời, thu nhập của các hộ gia đình sẽ giảm khi lạm phát tăng cao. Nợ chính phủ sẽ là yếu tố hạn chế khả năng ứng phó của các nhà hoạch định chính sách.
Nhà kinh tế trưởng Aaditya Mattoo của WB cho biết, việc các chính phủ thực hiện động thái chính sách sẽ phần nào giảm bớt tác động đến tăng trưởng, nhưng năm tới sẽ là thời điểm có nhiều thách thức. Ông nói: "Đây là sẽ là một năm khó khăn đối với khu vực này, không ai có thể tránh khỏi những cú sốc mà chúng tôi đã nói ở trên."
Ông Mattoo cho biết thêm, trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, thị trường toàn cầu không thể tránh khỏi những tác động mạnh, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào dòng vốn ngoại và lượng nợ nước ngoài cao. Do đó, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng dòng vốn chảy ra.
Một tin tốt với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đó là mức lãi suất thực đang cao hơn so với Mỹ. Bởi vậy, khu vực này vẫn có dư địa để tiếp tục đưa ra những biện pháp hỗ trợ tài chính mà không gây ra rủi ro lớn hơn cho hệ thống tài chính. Hơn nữa, các ngân hàng ở khu vực có nguồn vốn khá tốt.
Song, theo ông, chắc chắn rằng những rủi ro hiện tại vẫn đang gây ảnh hưởng đến lạm phát của các quốc gia. Ví dụ, lạm phát ở Philippines đã tăng tới 10%. Giá nhiên liệu và giá hàng hoá tăng cao cũng góp phần đẩy tỷ lệ nghèo lên mức cao hơn.
Về Việt Nam, Mattoo cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng từ mức 6,5% hồi tháng 10 xuống 5,3% hiện tại, với kịch bản bi quan là 4,4%. Rủi ro ở Việt Nam là số ca nhiễm Omicron ở mức cao và lượng nhập khẩu dầu cũng chiếm tới 3% GDP.
Trong khi đó, việc các quốc gia khác nhập khẩu nhiều những loại nguyên vật liệu như sắt và thép giúp Việt Nam trở thành một trong những nước thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể thấy, Việt Nam nắm bắt tốt những cơ hội trong việc mở rộng thương mại ra toàn cầu.
Về dòng vốn FDI, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài trong nhiều năm. Điều này giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng và giảm tỷ lệ nghèo hiệu quả trong những năm trước. Ông cho hay: "Việt Nam cần tìm ra những biện pháp để phát triển thêm ngành dịch vụ, tăng năng suất trong khu vực này. Để làm được điều này, hệ thống giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, bảo hiểm… đều cần được cải thiện."