Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương. Trung Quốc và Việt Nam đã vượt qua mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch trong khi các quốc gia khác có thể mất nhiều năm hơn để có thể hồi phục như ban đầu.
Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo, nền kinh tế của các nước đang phát triển trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ tăng trưởng trung bình 4,4%, sau khi giảm 3,7% vào năm ngoái.
Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi công bố báo cáo, rằng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hiệu quả của vaccine là nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế.
Ông nói: "Số lượng triển khai vaccine mà chúng tôi thấy gần đây rất thấp," đặc biệt là ở Philippines và Indonesia, những quốc gia này đang có vấn đề về "sự do dự vaccine" và khả năng phân phối.
Ở chiều ngược lại, các nền kinh tế khác trong khu vực được cho là sẽ được thúc đẩy từ tác động lan tỏa của gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Đưa ra các dự báo khác xung quanh việc Hoa Kỳ nâng mức tăng trưởng toàn cầu, Ngân hàng Thế giới cho biết biện pháp kích thích có thể làm tăng trung bình 1 điểm phần trăm tăng trưởng của các nước trong khu vực, chủ yếu thông qua thương mại và đầu tư. Ngân hàng Thế giới ước tính các nền kinh tế hướng về xuất khẩu ở châu Á, đặc biệt là Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, được hưởng lợi nhiều nhất.
Báo cáo cho thấy tác động lan tỏa tích cực ở các nền kinh tế tiên tiến có thể bị kìm hãm bởi các động thái thắt chặt điều kiện tài chính của các chính phủ, khiến các nền kinh tế ít trọng thương mại càng dễ bị tổn thương hơn.