Davos 2019 đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận xoay quanh nhu cầu hợp tác công tư để vượt qua các thách thức toàn cầu - từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng kinh tế. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào chính phủ có thể mang lại lợi ích trên 5 khía cạnh.
Cụ thể, chính phủ điện tử trước hết có thể giúp chính phủ hiểu được tâm tư nguyện vọng và các vấn đề của công dân tốt hơn. Thứ hai là cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn. Thứ ba là tìm giải pháp mới cho những thách thức về mặt chính sách. Kế đến là tham gia với các đối tác nước ngoài để phát triển các mô hình phân phối mới. Và cuối cùng là thương mại hóa một số dịch vụ công, phát triển nguồn thu mới.
Mặc dù có một số thành tích không thể phủ nhận trong việc cải cách bộ máy hành chính, hầu hết các chính phủ chưa bắt kịp được với doanh nghiệp trong việc khai thác sức mạnh của kỹ thuật số.
Một báo cáo gần đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, chính phủ như những con khủng long trong thời đại kỹ thuật số: chậm chạp, lạc lõng và lỗi thời.
WEF cho rằng, các chính phủ cần phải số hóa để giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, nâng cao trải nghiệm của công dân về các dịch vụ công. Điều này đòi hỏi chính phủ phải đặt công dân lên trên hết, coi họ là trọng tâm trong việc thiết kế các chính sách và cung cấp dịch vụ. Mục tiêu cuối cùng vẫn là cải thiện chất lượng dịch vụ, thúc đẩy tương tác minh bạch và hiệu quả, nâng cao độ tin cậy của người dân vào chính phủ.
Phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng di động đang thay thế các kênh truyền thống. Đó sẽ là một phương tiện để tương tác với chính phủ, bày tỏ mối quan tâm và cung cấp các phản hồi. Các dịch vụ di động cho phép mọi người truy cập các dịch vụ họ cần theo cách thuận tiện và chuẩn xác hơn, đồng thời khuyến khích công dân tham gia vào việc ra quyết định, thiết lập chính sách, ưu tiên ngân sách, giải quyết vấn đề và thiết kế các dịch vụ.
Việc sử dụng các phân tích nâng cao cho phép các chính phủ tận dụng dữ liệu được thu thập liên tục từ người dân để cải thiện dịch vụ và cá nhân hóa việc phân phối dịch vụ. Ví dụ, bệnh nhân có thể trao đổi trực tuyến với nhà cung cấp dịch vụ y tế để có thể nhận được hướng dẫn phù hợp với tình trạng của cá nhân họ.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ cho công dân, sử dụng chatbot để hoàn thành các giao dịch trong các trang web của chính phủ. Nó có thể giúp cải thiện quy hoạch đô thị bằng cách tối ưu hóa các tuyến đường cho các nhà khai thác vận tải, giảm thời gian hành trình của hành khách; cung cấp hỗ trợ giáo dục cho sinh viên dựa trên nhu cầu học tập cá nhân.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang được dự báo sẽ suy thoái trong thời gian tới, chính phủ phải tìm hướng đi để tài trợ cho các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng một cách bền vững, thân thiện với môi trường. Công nghệ kỹ thuật số tạo cơ hội khám phá các mô hình mới để cung cấp dịch vụ, cải thiện quản lý tài nguyên thông qua chi tiêu thông minh hơn, đồng thời định hướng dòng vốn đầu tư vào các chương trình và dịch vụ cho công dân, tăng cường trách nhiệm và niềm tin với chính phủ.
Công nghệ chuỗi khối block chain có thể giúp theo dõi chi tiêu chính phủ thông qua hệ thống - ví dụ: từ bộ tài chính đến bộ phận chi tiêu và sau đó là đại lý giao hàng. Với khả năng chi tiêu tốt hơn, chính phủ có thể đưa ra quyết định tốt hơn về cách phân bổ nguồn lực công cộng.
Cùng với việc triển khai các công nghệ này để tăng giá trị công, chính phủ phải thay đổi nhận thức về vai trò của chính họ trong việc tạo dựng một hệ sinh thái mới. Hệ sinh thái này bao gồm các cơ quan, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội và công dân để có thể phát triển các dịch vụ sáng tạo và mô hình kinh doanh.