“Tôi vẫn lo ngại về số ca bệnh ngày càng tăng và xuất hiện ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đã ghi nhận 2.322 ca mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát mới nhất. Tổng số ca bệnh trên toàn thế giới đã tăng lên tới 15.378. Sáu quốc gia đã báo cáo ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tuần trước.
Đậu mùa khỉ vốn là virus đặc hữu ở Tây Phi, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1971 và thường lây lan bằng cách tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh trên da.
Các quan chức châu Phi cho biết họ đang coi dịch bệnh ở lục địa này là tình trạng khẩn cấp. Nhưng các chuyên gia ở những nơi khác nói rằng mức độ nhẹ hơn của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, Bắc Mỹ... cho thấy việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là không cần thiết ngay cả khi không thể ngăn chặn được virus.
Tháng trước, CDC Mỹ ban hành hướng dẫn mới trong đó nêu rõ rằng đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng có khả năng lây lan do tiếp xúc cơ thể trong khi quan hệ tình dục. Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) tuyên bố rõ ràng rằng, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa ở khỉ.
Cơ quan y tế bang Florida hôm 21/7 thông báo bang này đã ghi nhận 208 ca mắc và nghi mắc đậu mùa khỉ, chiếm gần 10% tổng số ca bệnh được ghi nhận ở Mỹ. Chính quyền bang Florida đã đặt hàng 25.000 liều vắc xin phòng đậu mùa khỉ.
Do việc truy vết trở nên quá khó khăn, nên các quan chức y tế Mỹ đã chuyển sang phân phối vắc xin đậu mùa khỉ, nhưng vẫn dùng hạn chế cho những người bị phơi nhiễm, thay vì phân phối đại trà. Các quan chức y tế cho biết tuần trước rằng hơn 100.000 liều vắc xin dự kiến sẽ được chuyển đến Mỹ từ những nơi khác như Đan Mạch… trong vài ngày tới, với ít nhất 5 triệu liều nữa được đặt hàng trong những tháng tới.
Hiện không rõ Mỹ đang mua loại vắc xin nào, nhưng có khả năng đó là Jynneos - vắc xin do Bavarian Nordic ở Đan Mạch sản xuất. Jynneos được cấp phép tại Mỹ để sử dụng cho người lớn đối với bệnh đậu mùa hoặc đậu mùa khỉ.
Hồi tháng 5, Giám đốc điều hành Bavarian Nordic, Paul Chaplin, nói với NBC rằng, “chính phủ Mỹ có hơn một triệu liều Jynneos, đông lạnh dạng lỏng, tại Kho dự trữ quốc gia chiến lược hoặc được lưu trữ trong cơ sở của chúng tôi ở châu Âu”.
Một số chuyên gia lo lắng rằng việc phân phối vắc xin có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về y tế hiện có giữa các quốc gia nghèo và giàu. Trong khi Mỹ, Anh, Canada và nhiều quốc gia khác đã mua hàng triệu liều vắc xin, vẫn chưa có liều vắc xin nào được chuyển đến châu Phi, nơi một dạng nặng hơn của bệnh đậu mùa khỉ đã giết chết hơn 70 người.
Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận do bệnh đậu mùa ở khỉ ở các quốc gia giàu có, nhưng ở Tây Phi, một số chủng virus có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 10%. Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), người trước đây tư vấn cho WHO về các bệnh truyền nhiễm, nhận xét: “Những gì đang xảy ra ở châu Phi gần như hoàn toàn tách biệt với đợt bùng phát ở châu Âu và Bắc Mỹ”.
Virus đậu mùa khỉ sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 5 đến 21 ngày. Các triệu chứng của bệnh tương tự đậu mùa, tuy nhiên các vết mủ thường ít hơn, và các hạch bạch huyết của bệnh nhân thường sưng lên. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Sẹo do các vết thương là phổ biến.
Placide Mbala, nhà dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo, cho biết, cũng có những khác biệt đáng chú ý giữa bệnh nhân ở châu Phi và phương Tây. “Ở Congo, bệnh thường tiến triển nhanh chóng, sau 3 đến 4 ngày, những tổn thương đã có thể nhìn thấy được ở những người mắc bệnh đậu mùa khỉ”, ông Mbala nói.
Ông Mbala cho rằng, các phương pháp tiếp cận khác nhau ở các quốc gia khác nhau có thể sẽ cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát toàn cầu, trong khi việc áp dụng một chiến lược ứng phó duy nhất trên toàn thế giới, như đối với Ebola và COVID-19, có thể sẽ là một thách thức.
Dimie Ogoina, giáo sư y khoa tại Đại học Niger Delta (Nigeria) lo ngại việc nguồn cung vắc xin hạn chế sẽ một lần nữa dẫn đến kịch bản nảy sinh trong đại dịch COVID-19, khi các nước nghèo hơn phải chịu trắng tay trong khi các nước giàu tích trữ quá nhiều vắc xin. Việc tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu cũng có thể vô tình làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về vắc xin, bất chấp mức độ nhẹ của căn bệnh này ở hầu hết các quốc gia.