Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra tại trụ sở ở Thuỵ Sĩ, Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: "Trong 2 tuần qua, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số lượng quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp 3 lần. Trong những ngày, tuần tới, chúng tôi dự đoán số trường hợp mới, tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ lên cao hơn nữa."
Ông nói, một số quốc gia đã thể hiện tốt khả năng ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, nhưng cũng phàn nàn rằng một số nhà lãnh đạo trên thế giới không hành động đủ nhanh hoặc đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan. Ông phát biểu: "Chúng tôi thực sự lo ngại về cả mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động, cũng như mức độ nghiêm trọng về việc một số quốc gia không hành động. Chúng tôi đã rung lên hồi chuông cảnh báo cực kỳ rõ ràng."
Đại dịch toàn cầu thường được định nghĩa là dịch bệnh có mức độ lây lan quy mô lớn và rộng khắp thế giới. Các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết, việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ về chính trị và kinh tế. Động thái này có thể gây náo loạn cho thị trường thế giới đã vốn mong manh, cùng với đó những lệnh hạn chế đi lại và giao thương nghiêm ngặt hơn sẽ được đưa ra.
Lawrence Gostin – giáo sư và giám đốc của Viện Luật Sức khoẻ Quốc gia và Toàn cầu O’Neill tại Đại học Georgetown, cho biết các quan chức của WHO nên nói rõ ràng rằng thế giới đang ở trung tâm của một đại dịch. Ông nhận định thêm rằng tâm lý chủ quan sẽ diễn ra cho đến khi WHO tuyên bố điều trên.
Tính đến tối ngày 11/3, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã là 121.564 người với ít nhất 4.373 trường hợp tử vong, những con số này vẫn tiếp tục tăng lên theo hàng giờ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Bên ngoài Trung Quốc, các nước đã ghi nhận có 32.778 người nhiễm, với ít nhất 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận vào lúc 3 giờ chiều ngày 11/3 (giờ Việt Nam) – tăng thêm 3 nước so với hôm 21/1.
Trong khi số lượng ca nhiễm bệnh mới đang tăng chậm lại ở Trung Quốc thì nhiều nơi trên thế giới ghi nhận ngày càng nhiều người dương tính với Covid-19. Italy hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 sau Trung Quốc, với hơn 10.000 trường hợp, đứng sau là Iran với 9.000 người và Hàn Quốc là 7.775 ca. Riêng tại Mỹ, nước này đã có 1.050 ca nhiễm ở ít nhất 36 tiểu bang.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trước đó biết tổ chức này sẽ không tuyên bố Covid-19 là đại dịch, một phần là bởi hầu hết các ca nhiễm đều được xác định và khoanh vùng, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy virus lây lan trong cộng đồng. Tuần trước, ông nói: "Trừ khi chúng ta thừa nhận rằng tình hình không thể kiểm soát được, thì tại sao phải tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu?"
Tham khảo CNBC