Ngày 30/12, WinMart+ đã khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Hà Nội. Đây là 1 trong 20.000 cửa hàng nhượng quyền mục tiêu của Masan đến năm 2025, kỳ vọng phục vụ 35 - 50 triệu người tiêu dùng trong nước.
Sự kiện này được đánh giá là bước đi mang tính chiến lược của “ông lớn” Masan Group, có khả năng sẽ làm thay đổi thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Sự chuyển dịch của ngành bán lẻ
Theo Bộ Công Thương, quy mô đầu tư thị trường bán lẻ Việt Nam đã cán mốc 180 tỷ USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ sớm đạt 200 tỷ USD trong 2 năm tới. Việt Nam đồng thời được đánh giá là 1 trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi cả doanh nghiệp ngoại lẫn doanh nghiệp nội đều đổ tiền vào lĩnh vực này, đã tạo ra thế cục cạnh tranh gay gắt. Trong những năm qua, thị trường bán lẻ Việt liên tục chứng kiến sự dịch chuyển.
Đầu tiên phải kể đến sự “lên ngôi” của các doanh nghiệp nội. Các doanh nghiệp có nổi danh như WinMart (Masan Group) hay Saigon Co.op,… đều lần lượt mở rộng quy mô. Ngược lại, các thương hiệu ngoại đang nỗ lực làm mới hình ảnh, mô hình kinh doanh.
Đơn cử, năm 2016, người Pháp cũng đã bán hệ thống BigC trị giá 1 tỷ USD cho tập đoàn Central Group của Thái Lan. Hay đầu năm nay nhà đầu tư Hàn Quốc E-mart đã quyết định bán 100% cổ phần tại Công ty E-mart Việt Nam cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) sau 6 năm hoạt động. Ngoài ra, trước đó còn nhiều cái tên ngoại như Metro của Đức hay Auchan của Pháp… cũng dần rút lui khỏi thị trường do sự cạnh tranh khốc liệt.
Dòng dịch chuyển thứ hai phải nhắc tới đó là kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng nhỏ lẻ) đang ngày một thu hẹp và nhường chỗ cho kênh bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Theo cập nhật mới từ VDSC, tính đến tháng 5 năm nay, thị phần bán lẻ hiện đại đã tăng từ 31% (2019) lên 34%. Đồng nghĩa kênh bán lẻ truyền thống đã bị thu hẹp đáng kể chỉ sau 2 năm.
Trong kênh bán lẻ hiện đại, 15% thị phần thuộc về các trung tâm thương mại, 10% qua siêu thị mini và tới 50% thị phần thuộc về các cửa hàng tiện lợi, theo số liệu thống kê từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương).
Điều này cho thấy trong thời gian tới, cửa hàng tiện lợi có thể sẽ là mô hình tiên phong để thúc đẩy sự chuyển dịch của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Đặc biệt với mục tiêu 20.000 cửa hàng nhượng quyền của Masan Group vừa triển khai, dự báo này được đánh giá là có thể xảy ra.
Thời kỳ tiếp theo của bán lẻ hiện đại
Bên cạnh năng lực tự thân từ các tập đoàn bán lẻ lớn, việc áp dụng công nghệ và mô hình nhượng quyền thương mại đối với các cửa hàng tạp hoá truyền thống có thể giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang các kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Nếu chỉ vài phần trăm trong số này chuyển đổi sang mô hình cửa hàng tiện lợi dưới hình thức nhượng quyền, quy mô bán lẻ hiện đại có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Cuối năm 2020, Masan Group đã đưa ra chiến lược tham vọng “Alpha-Bet”. Trong đó, Masan sẽ tự vận hành khoảng 10.000 cửa hàng và có trong tay 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình. Mục tiêu theo đuổi của chiến lược này là tiếp cận 35 - 50 triệu khách hàng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%.
Hình thức nhượng quyền này có thể coi là sự hợp tác win - win (cùng có lợi) giữa hai bên. Đối với bên kinh doanh nhượng quyền - Masan Group, phương thức này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu chuỗi khi độ phủ sóng ngày một cao.
Đối với bên nhận nhượng quyền là các cửa hàng tạp hoá, mô hình này giúp hạn chế rủi ro, tiết kiệm đáng kể chi phí để tạo dựng thương hiệu, cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng.
Hơn nữa, việc nhận nhượng quyền thương mại từ mô hình bán lẻ WinMart+ đã chứng minh tính hiệu quả và thành công trong 2 năm qua, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng sẽ được chuyển giao, học hỏi cách tiếp cận kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến.
Trong kế hoạch nhượng quyền, Masan cũng nhấn mạnh vào kỳ vọng thay đổi thị trường bán lẻ cả về chất và lượng. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được từ 5 - 10% cho các hàng hóa thiết yếu, nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5 - 10%, đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5 - 10% so với hoạt động hiện tại của họ.
Vốn dĩ mô hình nhượng quyền thương mại là không mới, đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ XX song đến thời gian gần đây mới được quan tâm nhiều khi có xuất hiện của những thương hiệu như McDonalds, Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery... Có thể thấy, với sự nhập cuộc đầy táo bạo của “ông lớn” bán lẻ Masan Group, giới kinh doanh kỳ vọng nhượng quyền thương mại sẽ mở ra thời kỳ mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
Vĩnh Phú