Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Điểm lại, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chiều 11/12.
Theo World Bank, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng dù có nhiều trở lực từ bên ngoài. Điều này có được nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp với sự tăng động của các ngành chế biến, chế tại theo định hướng xuất khẩu.
Nghiên cứu của ngân hàng này cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự báo vẫn ở mức 6,8%, thậm chí là cao hơn mức này, như vậy cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tốc độ này có thể giảm dần trong trung hạn, theo xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, GDP Việt Nam giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019, 2020. Lạm phát vẫn được kiểm soát, theo World Bank, ở mức thấp dưới 4% nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam đánh giá cao những gì Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức. Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng cơ hội, lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu và cải thiện hiệu suất đầu tư công.
Bên cạnh những thuận lợi, phía World Bank cũng chỉ ra rằng vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi với nền kinh tế hơn 90 triệu dân này. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài.
Cụ thể căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, World Bank cho rằng cải cách doanh nghiệp trong nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.
"Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu", ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank nói. Theo đó, ông cho biết Việt Nam, vốn là nền kinh tế mở cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra.