Mới đây, Ngân hàng thế giới đã xuất bản báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2022. Theo đó, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhưng kèm với đó các rủi ro tiêu cực đang tăng cao do các ca nhiễm Omicron bùng phát cùng ảnh hưởng của xung động Nga -Ukraine.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục phục hồi
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2, cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 1.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục phục hồi, tăng 5,9% (so với cùng kỳ năm trước), lần tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2021, nhờ doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng mạnh (12,6% so với cùng kỳ năm trước).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (Nguồn: World Bank)
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 2,4% (so với cùng kỳ năm trước). World Bank nhận định con số ước tính của doanh thu bán lẻ có thể chưa nắm bắt đầy đủ tác động của đợt gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng trong nửa cuối tháng 2.
Cán cân thương mại hàng hóa xấu đi do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng lần lượt 15,5% và 22,3% (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 1.
Do nhập khẩu tăng nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu, cán cân thương mại xấu đi, chuyển từ thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 1 sang thâm hụt 2,0 tỷ USD trong tháng 2.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhờ xuất khẩu điện thoại, máy tính và điện tử, và máy móc tăng 6,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 2, so với mức giảm 8,6% trong tháng 1.
Thương mại hàng hóa so với cùng kỳ năm trước
Xuất khẩu dệt may vẫn được duy trì mạnh mẽ, tăng trưởng 25,8% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng nhập khẩu một phần phản ánh tăng trưởng nhanh hơn của nhập khẩu linh kiện điện thoại, máy tính và điện tử, với tốc độ bật tăng từ 14,9% trong tháng 1 lên 32,3% trong tháng 2.
Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu cũng tăng 146,8% (so với cùng kỳ năm trước), phản ánh rõ xu hướng tăng của giá dầu. Theo đối tác thương mại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh với tốc độ 14,6% trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi, tăng 19,5% sau khi giảm 15,2% trong tháng 1.
Lạm phát vẫn được kiềm chế mặc dù giá nhiên liệu tăng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% (so với cùng kỳ năm trước), mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục góp phần làm tăng chi phí giao thông, và do đó, làm tăng giá tiêu dùng.
Đóng góp vào tốc độ tăng CPI
Ngược lại, giá lương thực, thực phẩm (LT-TP) tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7%.
Khuyến nghị của World Bank
Xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng tính bất định về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, gây ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát.
Cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của xuất khẩu.
Giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước. Tuy nhiên, theo WB, giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách tốt nhất để hạ nhiệt giá xăng dầu.