Tuy nhiên, bản báo cáo này cho biết, vẫn còn khoảng 60% học sinh trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang phải học tập tại các hệ thống giáo dục yếu kém và không được trạng bị những kĩ năng cần thiết để thành công.
"Đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em, bất kể nơi sinh ra ở đâu, không chỉ đơn thuần là một việc làm đúng đắn. Điều này còn là nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh và là cách tốt nhất giúp ngăn chặn và đảo ngược sự gia tăng bất bình đẳng", bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho hay. Đây cũng là mục đích của Báo cáo lần này, khi tập trung phân tích và nghiên cứu thực nghiệm các hệ thống giáo dục của các nền kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Từ đó, báo cáo chỉ ra các bài học kinh nghiệm mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thực hiện nhằm xây dựng một nền giáo dục hiệu quả cao, đi kèm với giảm nghèo và tăng trưởng bền vững.
Ngân hàng Thế giới đã xếp loại các hệ thống giáo dục trong khu vực thành 4 nhóm. Nhóm 1 là các hệ thống giáo dục hàng đầu bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc). Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc nằm ở nhóm thứ 2 – nhóm có hệ thống giáo dục trên mức trung bình. Nhóm thứ 3 bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, là những hệ thống giáo dục dưới mức trung bình.
Nhóm cuối cùng là nhóm các hệ thống giáo dục biệt lập, gồm Lào, Campuchia, Brunei, Mông Cổ, Myanmar, Đông Ti-mo và 1 số quốc đảo khác. Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cũng là khu vực có kết quả thí sinh tham gia khảo thí Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) cao nhất, đặc biệt ở hai môn Toán và Khoa học.
Việt Nam được đánh giá là một "hiện tượng" đáng ngạc nhiên đối với các chuyên gia của World Bank, khi mức chênh lệch giữa điểm trung bình PISA thực tế so với dự đoán theo thu nhập của học sinh Việt Nam lớn nhất trong khu vực. Thành tích này đặc biệt đáng khích lệ trong bối cảnh thu nhập đầu người và nguồn lực đầu tư cho giáo dục ở nước ta còn hạn chế. Điểm PISA về Toán và Khoa học của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình của các nước OECD.
Ông Michael Crawford, chuyên gia cao cấp về giáo dục của World Bank, thành viên nhóm tác giả báo cáo cho biết: "Những kết quả đó cho thấy rằng học sinh Việt Nam có tư duy toán học và phản biện rất tốt. Việt Nam đang chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Và các trường học đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về đào tạo các kĩ năng cơ bản cho học sinh của mình, phục vụ tốt cho quá trình chuyển dịch đó của nền kinh tế".
Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định với kết quả thi PISA của học sinh Việt Nam cho thấy các em có năng lực toàn diện và vượt trội trong môn toán để tự giải quyết các vấn đề phức tạp, hoàn toàn phản bác lại quan điểm cho rằng điểm cao là do học vẹt, học thuộc lòng.
Bà Raja Bentaouet Kattan, Chuyên gia trưởng về giáo dục của WB, đồng tác giả của Báo cáo cho biết, Việt Nam thực sự là một trong những hệ thống giáo dục thành công trong những năm qua, khi Nhà nước đã tiến hành nhiều đổi mới ở cả 5 lĩnh vực chính sách thúc đẩy học tập (theo WB: Đồng bộ thể chế, Chi tiêu công, Giáo viên, Sự sẵn sàng để học tập và Đánh giá).
Trong các kỳ thi lớn, Việt Nam đã có nhiều cải cách theo hướng đa dạng hóa phương pháp thi cử - đánh giá, cải thiện chất lượng kỳ thi theo hướng đánh giá đúng năng lực của học sinh. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục trên GDP cao nhất trong khu vực (6,3%). Các chính sách ưu đãi cho vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam cũng được bà Raja Bentaouet Kattan đánh giá cao, thể hiện tính công bằng và bình đẳng trong giáo dục.