Nợ xấu đang được đánh giá có thể gây áp lực cho ngành ngân hàng sau dịch COVID-19. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, đến nay mặc dù Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đã đưa ra điều khoản để các cơ quan chức năng phải hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu , nhưng trong nhiều trường hợp, người dân vẫn chống đối, người đi vay vẫn chây ì, thì ngân hàng khó mà có thể thu giữ được tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục pháp lý rút gọn tại tòa án, dù hiện tại các tòa án cũng cố gắng để rút gọn thủ tục, nhưng một khi vụ kiện đã ra tòa thì thời gian là vô định, có thể nhanh trong vài tháng, nhưng cũng có thể kéo dài cả năm, khiến việc thu hồi nợ còn khó khăn.
Theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cách tiếp cận có hệ thống đóng vai trò quan trọng để phát triển một môi trường thuận lợi hỗ trợ giải quyết nợ xấu (ảnh minh hoạ)
"Đặc biệt, điểm quan trọng mà tôi nhắc đến đó là thị trường mua bán nợ cho đến giờ cũng mới chỉ trên lý thuyết, vẫn chưa có thị trường mua bán nợ rộng rãi và vẫn chỉ có các thành viên như ngân hàng thương mại, công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại AMC, hay công ty quản lý tài sản của Ngân hàng Nhà nước là VAMC và công ty quản lý tài sản của Bộ Tài chính là DATC. Như vậy, quanh quẩn cũng chỉ có mấy thành viên đó, còn thị trường mua bán nợ một cách rộng rãi, trong đó các ngân hàng có thể đẩy món nợ và bán với giá thị trường,tức là có thể bán với mức chiết khấu tỷ lệ chiết khấu rất cao như 90% trên dư nợ,70% thậm chí 50-30% trên dư nợ, thì những cái đó vẫn còn trên giấy tờ chưa được thực hiện được", TS. Hiếu cho biết.
Theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cách tiếp cận có hệ thống đóng vai trò quan trọng để phát triển một môi trường thuận lợi hỗ trợ giải quyết nợ xấu.
Bà Dorsati Madani
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) chia sẻ, cho đến thời điểm hiện nay, nợ xấu của Việt Nam đang ở mức khoảng 2%, nhưng vẫn cần chờ đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố chỉ số nợ xấu chính xác vào cuối năm 2021, từ đó sẽ có nhiều phân tích và kiến nghị cụ thể hơn.
"Theo đánh giá của tôi, vấn đề kiểm soát và xử lý nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng. Thực tế là hai đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, nhất là đợt dịch bùng phát hồi tháng 5 đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo. Doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, ngoài ra, áp lực nợ xấu không chỉ từ các khoản nợ có cơ cấu tiềm ẩn rủi ro trong tương lai, mà việc xử lý nợ xấu cũng đang gặp khó khăn do rào cản dịch bệnh", bà Dorsati nói.
Về kinh nghiệm trên thế giới, theo vị chuyên gia của WB, Việt Nam có thể tham khảo phương pháp lập Nhóm công tác xử lý nợ xấu của Chính phủ để kiểm soát vấn đề này. Ví dụ tỷ lệ nợ xấu ở Serbia là trên 20% năm 2015 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đến năm 2021, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 3,5%. Để đạt được con số này, Chính phủ Serbia đã thành lập Nhóm công tác xử lý nợ xấu với thành phần là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Trung ương Serbia và Quỹ bảo hiểm tiền gửi, trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan điều phối hoạt động của nhóm công tác này.
Tương tự tại Albania, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ dưới 5% vào năm 2007 lên cao nhất là 24,9% vào tháng 9/2014. Vì vậy, tháng 6/2015, chính phủ Albania đã thành lập nhóm công tác xử lý nợ xấu với thành phần là Bộ Phát triển kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Trung ương Albania, cùng với đó, WB và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đóng vai trò quan sát viên. Hiệp hội Ngân hàng Albania cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình của nhóm công tác này và đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở đây chỉ còn 8,1%.
"Dù các chính sách tái cơ cấu, gia hạn nợ và miễn giảm lãi suất đang phát huy tác dụng, giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì, hồi phục sản xuất kinh doanh, nhưng ảnh hưởng của đại dịch sẽ làm gia tăng những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ. Chính vì vậy, nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng, mà vấn đề quan trọng hiện nay là, cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ cần cẩn trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basell II. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có một khung chính sách đầy đủ và rõ ràng để xử lý nợ xấu trong hệ thống, không gây trở ngại cho quá trình ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế", vị chuyên gia tại WB khuyến nghị.