Mới đây, World Bank đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu. Theo đó, các chuyên gia của WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới; đồng thời, cảnh báo nhiều nước có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế bước vào giai đoạn lạm phát đình trệ giống như những năm 1970.
Cụ thể, báo cáo của Word Bank đã điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống còn 2,9%, thấp hơn 1,2 điểm % so với con số 4,1% đưa ra hồi tháng 1. Bên cạnh đó, báo cáo ước tính, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục dao động quanh mức tương tự như năm 2022 trong hai năm kế tiếp. Trong khi đó, lạm phát tại hầu hết các nước vẫn sẽ cao hơn mức mục tiêu.
"Xung đột Nga-Ukraine và giá hàng hóa tăng vọt đã làm phức tạp thêm thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới. Thế giới có thể đang bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu ớt và lạm phát cao kéo dài", WB dự báo.
Tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, WB dự kiến tăng trưởng kinh tế của những quốc gia này sẽ giảm từ 6,6% trong năm 2021 xuống 3,4% trong năm 2022, thấp hơn hẳn mức trung bình hàng năm 4,8% trong giai đoạn 2011-2019.
Trong đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, 2023 tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,5%. Philippines tăng trưởng lần lượt 5,7% và 5,6%; Malaysia tăng trưởng kinh tế trong 2 năm 2022, 2023 lần lượt 5,5% và 4,5%; Indonesia tăng trưởng lần lượt 5,1% và 5,3%. Thái Lan tăng trưởng thấp nhất trong dự báo của WB trong hai năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,9% và 4,3%.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2019-2024. Nguồn: World Bank
Có thế thấy, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm tới luôn cao hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia...
Nhìn chung, World Bank cho rằng tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức 4,4% vào năm 2022. Ngân hàng này nhận định so với các khu vực khác, Đông Á - Thái Bình Dương cho đến nay ít bị ảnh hưởng hơn bởi tác động lan tỏa từ xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, tác động của cuộc xung đột này lên giá cả hàng hóa và nhu cầu toàn cầu vẫn sẽ kìm hãm đà phục hồi, đặc biệt là ở các nền kinh tế nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, hàng hóa đầu vào thiết yếu bị thiếu hụt có thể làm gián đoạn sản xuất và làm giảm phục hồi, đặc biệt với các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và nhiên liệu (như Campuchia, Philippines, Thái Lan,...).