Mỹ "đánh" đúng chỗ đau của Trung Quốc
Thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những đòn trừng phạt khác đã giáng xuống đầu Trung Quốc đúng vào thời điểm nước này dễ tổn thương nhất, theo một bài viết được đăng tải trên tờ The Wall Street Journal của hai tác giả Andy Puzder và Jim Talent.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 15/7 vừa qua đã công bố chỉ số tăng trưởng GDP của nước này trong Quý II của năm 2019 là 6,2% - mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1992. Và viễn cảnh tương lai trước mắt họ thậm chí còn mù mịt hơn nữa.
Ngoài những người trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, thì không ai có thể biết chính xác điều ra đang xảy ra ở nước này. Trong thông cáo mới nhất của chính phủ có nêu rằng "tình hình kinh tế vẫn còn nghiêm trọng cả ở trong và ngoài nước", và "sự phát triển bất cân đối và bất cập trong nước vẫn rất nghiêm trọng".
Nếu đó là tuyên bố của chính phủ, thì sự thật có lẽ còn tồi tệ hơn thế, hai tác giả Puzder và Talent cho biết.
Mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng con số 6% chắc chắn không thể thỏa mãn kì vọng của Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc đã giàu có hơn so với chính họ trước kia, nhưng so với nhiều nước trên thế giới thì họ vẫn chưa phải là nước giàu. Mức GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 10.000 USD, thấp hơn Romania.
Với tốc độ tăng trưởng 6%, Trung Quốc sẽ còn phải phấn đấu thêm hàng chục năm nữa mới mong đuổi kịp được các quốc gia khác, xét theo GDP bình quân đầu người, như Hàn Quốc (32.000 USD), Nhật Bản (41.000 USD), và Mỹ (62.000 USD).
Trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thì Bắc Kinh hiện nay cũng đang phải "gặt quả" từ những điều họ đã "gieo". Hai thập kỷ sau khi Mao Trạch Đông qua đời, kinh tế Trung Quốc đã có phần tự do hơn trước, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn từ chối thiết lập hệ thống ngân hàng tư nhân và vẫn duy trì các doanh nghiệp nhà nước - thành phần chiếm đến 30% nền kinh tế của nước này.
Thay vào đó, trong 20 năm qua - và đặc biệt là kể từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã tìm cách đạt được tăng trưởng thông qua các khoản vay và khai thác mạnh mẽ hệ thống thương mại toàn cầu, một hành động - theo lập trường của Tổng thống Trump - thì không khác nào đi "ăn cắp" từ các nền kinh tế khác trên thế giới.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: In Homeland Security.
Những chính sách trên của Trung Quốc đã tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trong kinh tế, khiến nước này ngập trong các khoản nợ, và khiến các đối tác thương mại của họ dần mất tin tưởng, hoài nghi. Từ trước năm 2016, nhiều nhà quan sát đã cho rằng Trung Quốc sắp rơi vào tình cảnh trì trệ.
Cùng lúc Trung Quốc gặp khó, thì chính quyền ông Trump cũng liên tục gây áp lực đối với Bắc Kinh. Từ tháng 3 năm ngoái, Washington đã liên tục giáng đòn mạnh xuống Bắc Kinh, và dự kiện đòn giáng thuế quan 10% đối với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/9 mới, do Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối đáp ứng yêu cầu của Mỹ.
Đòn đánh mạnh không bằng đòn đánh đúng thời điểm
Các đòn thuế quan thực sự có hiệu quả, hai tác giả của bài viết này khẳng định. Những dấu hiệu được họ đưa ra là: các công ty công nghệ lớn đang dần rút dây chuyền sản xuất của họ khỏi Trung Quốc, cùng với đó là các hãng bán lẻ.
Điều này thể hiện trong bản báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - công bố hồi tháng 7 vừa qua - rằng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm 3 tháng liên tiếp, đồng nghĩa với số lượng việc làm cũng giảm sút.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) gần đây dẫn lời các nhà kinh tế học cho biết ngành công nghiệp của Trung Quốc đã mất tới 5 triệu việc làm trong năm ngoái, trong số đó có gần 2/5 số việc làm mất đi là do cuộc thương chiến với Mỹ. Đây quả là một tổn thất không nhỏ đối với Trung Quốc.
Giá trị xuất khẩu tính từ đầu năm tới nay chỉ tăng 0,6%, trong khi giá trị nhập khẩu - một trong những chỉ số đại diện cho sức mạnh kinh tế trong nước - đã giảm xuống 5,6%/năm trong tháng 7 vừa qua, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tuần trước, Cục Điều tra Dân số Mỹ đã công bố số liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đã tụt hạng từ vị trí đối tác thương mại hàng đầu của nước này xuống vị trí thứ 3, sau Mexico và Canada, trong nửa đầu năm 2019.
Trong cơn bão tố kinh tế này, Bắc Kinh đã buộc phải dùng đến biện pháp hạ giá chính đồng nội tệ của mình - một chính sách giúp họ giữ cho các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ không bị tăng giá vì thuế quan. Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ bị mất giá sẽ khó có thể giúp Trung Quốc đảo ngược khủng hoảng kinh tế trong nước, hay thu hút các nhà đầu tư đổ thêm tiền vào nước này.
Không thể hy vọng một cuộc cải cách toàn diện tại Trung Quốc sẽ xảy ra trong thời gian tới. Ít ra thì chính quyền ông Trump đã thành công trong việc gây áp lực đối với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong thời gian dài Trung Quốc phải chịu áp lực thực sự, và Washington giành thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh.