Giá xăng dầu trải qua thời kỳ tăng mạnh khi thị trường thế giới gặp nhiều biến động. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường, đáp ứng nguồn cung đang được các bộ ngành lưu tâm.
Xăng dầu biến động: Xả quỹ, giảm thuế để kiềm chế
Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu ở Việt Nam tăng nhưng đã được điều hành ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới. Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
Sau 10 năm tăng, lần đầu tiên giảm thuế môi trường với xăng dầu |
Ở trong nước, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (ngày 11 tháng 01 năm 2022) đến kỳ điều hành ngày 11 tháng 3 năm 2022 đã có 06 kỳ điều hành giá (06 kỳ đều tăng giá).
Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/01/2022 tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%.
Để kiềm chế đà tăng giá của xăng dầu, Bộ Công Thương - Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại), giúp mức tăng giá thấp hơn giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31 thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Để bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Thời gian qua, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã sử dụng rất tốt Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để điều hành giá xăng, dầu. Nhưng trong bối cảnh giá xăng, dầu đang tăng cao, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu cũng có hạn thì nên chăng xem xét thêm các giải pháp, công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, để không tăng đột biến, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, hiện, 40% cơ cấu giá xăng dầu là từ thuế phí. Theo đó, để điều tiết mức tăng của giá xăng, dầu sao cho phù hợp, hợp lý cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, hiện, VAT giảm 2% cho hàng tiêu dùng, còn xăng, dầu thì không được. Điều đó cho thấy, chúng ta còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng, dầu, giá xăng, dầu vẫn tăng nhưng không tăng cao quá so với giá xăng, dầu thế giới.
"Tuy nhiên, giảm giá xăng dầu, sẽ giảm sức ép lạm phát nhưng giảm nhiều quá thì sẽ hụt thu ngân sách, do vậy điều chỉnh chính sách về thuế cần sự đánh giá, tính toán một cách toàn diện", ông Lâm lưu ý.
Việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu là ưu tiên hàng đầu |
Tính kế đảm bảo nguồn cung
Hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Vì vậy, ngày 22/02/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo đó, ngày 24/02/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong Quý II/2022.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý. Do đó, điều hành của Bộ Công Thương là rất quan trọng. Bộ Công Thương cần kiểm soát được nguồn cung và cả nguồn dự trữ để bảo đảm chủ động nguồn cung trong nước. Đồng thời, trong việc điều hành giá cần linh hoạt để khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù cho giá xăng. Phải điều hành mức dự trữ, kiểm soát dự trữ của các nhà cung cấp để không có tình trạng nhà cung cấp găm hàng, đầu cơ om hàng, không đưa xăng ra bán, đợi giá tăng trong tương lai.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, phải tăng nguồn cung nhập khẩu, khuyến khích doanh nghiệp bằng cách giảm thuế nhập khẩu. Về lâu dài, cần tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà phân phối xăng dầu cạnh tranh và tự tìm được nguồn cung cấp tốt nhất. Nguồn dự trữ quốc gia cũng phải tăng nguồn lực để tăng nguồn dữ trữ xăng dầu trong nước như một số nước dữ trữ xăng dầu cho khoảng 5-6 tháng để bảo đảm bình ổn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng, với tổng hợp các biện pháp trên thì sẽ có thể bảo đảm bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới, giúp cho nền kinh tế có điều kiện ổn định, phục hồi và phát triển.
Hà Duy