Xác tàu Titanic dưới đáy đại dương
Trong đoạn video vừa được công bố, các thợ lặn phát hiện xác tàu Titanic huyền thoại đang bị nuốt chửng. Những loài vi khuẩn ăn kim loại chuẩn bị khiến con tàu, từng một thời vang danh, trở thành đống sắt vụn theo đúng nghĩa đen.
Lần đầu tiên sau 14 năm, người ta mới lại lặn xuống nơi tàu Titanic yên nghỉ. Một loạt 5 lần lặn đã được thực hiện trong tháng 8/2019 bởi nhóm có tên Triton Submarines. Xác tàu huyền thoại nằm ở độ sâu 4.000 m tại một địa điểm cách Newfoundland, Canada khoảng 700 km. Được mệnh danh là không thể chìm, Titanic đắm trong chuyến hải trình đầu tiên và giờ chỉ còn là một đống sắt vụn.
Thực hiện chuyến thám hiểm lần này là nhóm chuyên gia và nhà khoa học của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Họ thực hiện nhiều cảnh quay với xác tàu 107 năm tuổi bằng những chiếc máy quay đặc biệt. Các cảnh quay 4k sẽ giúp dựng hình xác tàu trong công nghệ thực tế ảo tăng cường.
Titanic đắm năm 1912 khi đam phải một tảng băng trôi. Vụ tai nạn khiến 1.517 trong số 2.223 người thiệt mạng. Những cảnh quay mới sẽ được sử dụng cho một đoạn phim tài liệu mới của Atlantic Productions, trong đó cho thấy tác động ăn mòn của muối và các loài vi khuẩn ăn kim loại với sự phân rã của con tàu.
Patrick Lahey, chủ tịch và đồng sáng lập của Triton Submarines, cho biết: "Thật kinh ngạc khi nhìn thấy Titanic bị đại dương nuốt chửng như thế nào. Nó đang trở về dạng nguyên tố và trở thành nơi trú ngụ cho số lượng đáng kể các loài sinh vật biển".
Victor Vescovo, Giám đốc điều hành của Caladan Oceanic và là thuyền trưởng của tàu ngầm, nhấn mạnh sự thành công của hoạt động khám phá này mở ra cơ hội tiếp cận các xác tàu khác. "Hiện tại, chúng tôi đã chứng minh được rằng hệ thống này có thể liên tục và dễ dàng tiếp cận bất cứ xác tàu đắm nào, ở bất kỳ độ sâu nào tại bất cứ nơi đâu trên thế giới".
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, các nhà khoa học cũng tiến hành đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số.
Với tốc độ phân rã như hiện tại, các nhà khoa học suy đoán rằng trong 30 năm nữa, người ta sẽ không thể nhận ra hình hài của Titanic. Một trong những nguyên nhân khiến Titanic sắp biến mất là loài vi khuẩn Halomonas titanicae, được tìm thấy trong phần rỉ sắt của con tàu. Halomonas titanicae ăn mòn kinh lạo và phá vỡ nó. Điều này gây ra các vết gỉ và khiến thép trở nên giòn và dễ vỡ.
Việc ăn mòn kim loại diễn ra liên tục, khiến hết lớp này tới lớp khác của con tàu bị phá hủy. Khi con tàu bị hư hại về mặt cấu trúc, nó sẽ càng nhanh bị phá hủy. Nằm dưới đáy biển ở khu vực có dòng chảy mạnh trong 107 năm, người ta cho rằng tàu Titanic biến mất chỉ là vấn đề thời gian.