Nông dân nói không với thực phẩm bẩn
Xin ông cho biết, thời gian qua Hội ND tỉnh Ninh Bình đã có vai trò gì trong việc triển khai Đề án “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”?
- Từ năm 2016, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã triển khai đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", qua đó triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề và ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn” giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội.
Cửa hàng nông sản an toàn 3F Mart Ninh Bình được mở tại Thủ đô đã thu hút đông đảo khách hàng tới thăm quan, mua hàng. Ảnh: Thu Hà
"Đến nay, 18/18 cửa hàng nông sản an toàn do Hội ND quản lý đều chấp hành tốt quy định của các ngành chức năng, tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, Hội ND tỉnh Ninh Bình tiếp tục hỗ trợ khảo sát và triển khai thêm nhiều cửa hàng nông sản an toàn khác”. Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình |
Hội ND các cấp Ninh Bình đã tổ chức 1.740 buổi tuyên truyền về an toàn thực phẩm, vận động 124.583 hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 465 mô hình “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn” trên các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, Hội ND tỉnh trực tiếp ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn” với 50 hộ nông dân, đại diện các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm, nông sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh; xây dựng 26 mô hình điểm “Nói không với thực phẩm bẩn” phù hợp với đặc trưng của từng địa phương.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình, Hội ND các cấp đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng, cách thức bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm. Các cấp Hội ND cũng vận động thành lập 19 HTX và 89 tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn.
Giải “bài toán khó”
Một trong những khó khăn hiện nay của nông dân là tiêu thụ nông sản, nông sản an toàn bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn. Vậy Hội ND tỉnh Ninh Bình có giải pháp gì hỗ trợ nông dân trong vấn đề này thưa ông?
- Đúng vậy! Không chỉ nông dân Ninh Bình mà nông dân cả nước nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản và thường rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”. Chính vì vậy, ngay sau khi xây dựng xong các mô hình, sản phẩm của mô hình đã được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm an toàn, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã họp, bàn cách làm sao để giúp các sản phẩm nông sản an toàn của hội viên nông dân làm ra bán được với số lượng nhiều, giá thành cao hơn so với những sản phẩm không có chứng nhận an toàn.
Trước thực trạng đó, năm 2017, Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các mô hình cửa hàng nông sản an toàn nhằm xây dựng chuỗi nông sản an toàn, kết nối giữa người tiêu dùng với nông dân sản xuất thực phẩm sạch, an toàn.
Đầu tiên, Hội ND tỉnh đã vận động gia đình đồng chí Chủ tịch Hội ND phường Đông Thành, TP.Ninh Bình đứng ra mở Cửa hàng nông sản an toàn cấp tỉnh đầu tiên. Hội ND tỉnh vận động lãnh đạo TP.Ninh Bình cho mượn 150m2 đất tại khu trung tâm thành phố, đứng ra bảo lãnh cửa hàng; đưa biểu trưng của Hội ND và tên Hội ND tỉnh cùng tên cửa hàng.
Hội cũng hỗ trợ cửa hàng vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập huấn kiến thức sản xuất an toàn, kết nối các sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm an toàn, hỗ trợ biển hiệu, mua giá kệ, tủ bảo quản nông sản. Tại lễ khai trương cửa hàng, ngày 12/7/2017, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự, cắt băng khai trương.
Sau 3 tháng khai trương cửa hàng nông sản an toàn cấp tỉnh đầu tiên, Hội ND tỉnh rà soát, rút kinh nghiệm và thấy có hiệu quả, toàn bộ nông sản an toàn của nông dân có nơi tiêu thụ, khách hàng tin tưởng, Hội ND tỉnh tiếp tục vận động đồng chí chi hội trưởng chi Hội ND thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp mở cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp với quy mô lớn hơn cửa hàng đầu tiên.
Nét mới của cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp là cửa hàng có kết nối camera với trang trại nuôi con đặc sản để cung cấp cho cửa hàng như: Hươu, nai, dê, ngựa, nhím, lợn rừng... Cửa hàng đã trực tiếp ký hợp đồng cung cấp nông sản an toàn cho một số nhà hàng tại thành phố Ninh Bình và Hà Nội.
Từ hiệu quả của các cửa hàng nông sản an toàn nói trên, Hội ND tỉnh Ninh có giải pháp gì để nhân rộng mô hình này thưa ông?
- Hiệu quả từ các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn do Hội ND các cấp xây dựng, Hội ND tỉnh đã đề xuất và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội ND giai đoạn 2018 - 2023. Đồng thời, hằng năm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để Hội ND triển khai xây dựng đề án.
Trong 2 năm (2018 - 2019), Hội ND tỉnh đã mở thêm 16 cửa hàng nông sản an toàn ở 8/8 huyện, thành phố; thành lập câu lạc bộ nông sản an toàn gồm 60 thành viên nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, kết nối cung cầu, mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, trao đổi thông tin hàng hóa giữa các thành viên. Tại mỗi huyện, thành phố đều có từ 1- 3 cửa hàng nông sản an toàn.
Đặc biệt, ngày 6/4/2019, Hội ND tỉnh đã khai trương cửa hàng nông sản an toàn Ninh Bình tại thủ đô Hà Nội. Đây là hướng đi mới trong giải pháp tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân trong tỉnh.
Đến nay, 18/18 cửa hàng nông sản an toàn do Hội ND quản lý đều chấp hành tốt quy định của các ngành chức năng, tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh. Một số cửa hàng nông sản an toàn có thiết bị test nhanh sản phẩm khi có yêu cầu của khách hàng.
Điểm đáng chú ý nữa là, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước giới thiệu và bán nông sản an toàn của các địa phương như: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Nghệ An, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang... Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Hội ND là địa chỉ quen thuộc của nông dân, các tổ chức và người nội trợ. Đặc biệt, tại các hội nghị lớn của tỉnh và các bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học luôn nhập nông sản của các cửa hàng nông sản an toàn để chế biến. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phát động hội viên, nông dân chủ động phát hiện, đấu tranh với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Xin cảm ơn ông!