Quý 1/2020 có thể nói là một quý khủng hoảng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khi giá dầu có xu hướng rơi tự do. Giá dầu Brent vào đầu năm 2020 đang ở ngưỡng 68 USD/thùng, cho đến ngày 20/4 đã giảm xuống chỉ còn ở ngưỡng 25,5 USD/thùng.
Giá dầu giảm sâu khiến tất cả các doanh nghiệp đều ghi nhận lỗ quý 1/2020, PLX lỗ khoảng 1900 tỷ đồng,PV OIL lỗ khoảng 400 tỷ đồng. Lỗ quý 1 kéo lợi nhuận cả năm 2020 của các công ty xuống thấp.
Sang năm 2021, giá dầu thế giới bùng nổ mạnh mẽ, kéo lợi nhuận những doanh nghiệp xăng dầu lên cao, đặc biệt là trong 2 quý đầu năm. Các công ty đều đạt đỉnh về lợi nhuận trong quý 2/2021, PLX lãi ròng 1.400 tỷ, OIL lãi hơn 200 tỷ, còn Nam Sông Hậu và Thanh Lễ lãi khoảng 100 tỷ đồng.
Quý 3, lợi nhuận các doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng nguyên nhân chính do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế, gây đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ cũng khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm rất mạnh.
Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là tốc độ tăng trưởng giá dầu đã giảm tốc, giá tăng không ổn định mà lên xuống liên tục. Chiếm tới 50% thị phần bán lẻ xăng dầu nội địa nên PLX chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lợi nhuận ròng quý 3/2021 của công ty thu hẹp còn 76 tỷ đồng. Sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, lợi nhuận công ty đã tăng trở lại trong quý 4.
So với năm 2020, lợi nhuận các công ty đều ghi nhận mức tăng trưởng khủng. PLX tăng 148%, PV OIL chuyển từ lỗ 166 tỷ sang lãi 776 tỷ đồng, lợi nhuận Nam Sông Hậu Petro tăng hơn 11 lần.
Giá dầu Brent (Nguồn: vn.tradingview.com)
Giá xăng RON95.IV (Nguồn: pricedancing.com)
Giá dầu thế giới vẫn đang nối tiếp đà tăng từ tháng 12 năm ngoái, giá dầu Brent hiện tại đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng. Tại thị trường Việt Nam thì nhiều nơi khan hiếm xăng dầu, nhiều đại lý phải báo hết xăng, giá xăng tại Việt Nam tăng 1.000 đồng/lít lên cao nhất trong 8 năm.
Khi giá đầu vào liên tục tăng, câu chuyện về tồn kho thường được nhắc đến. Đối với Petrolimex và PV Oil, tồn kho của 2 đơn vị này tại thời điểm cuối năm ngoái lần lượt là 13.400 tỷ và 2,6 nghìn tỷ đồng - không lớn so với quy mô doanh thu.
Trong khi đó, Nam Sông Hậu có tồn kho 5.100 tỷ đồng, tức lớn hơn giá vốn hàng bán của cả năm 2021 là 4.800 tỷ đồng. Nếu vẫn giữ được phần lớn lượng tồn kho này, Nam Sông Hậu có thể được hưởng lợi khá lớn.