Ngư dân sợ ra khơi
Đầu năm Nhâm Dần, không khí tại cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trầm lặng, nhiều tàu cá vẫn chưa ra khơi do ảnh hưởng của thời tiết, phần nữa do giá xăng tăng cao, ngư dân sợ chẳng thể bù lỗ.
Ngư dân Hà Tĩnh gặp khó khăn khi giá nhiên liệu tăng
Đang dọn tàu sau chuyến đánh bắt hải sản dài ngày trở về, ông Nguyễn Văn Hiếu (trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết, nghỉ Tết xong ông cùng 4 thuyền viên lên thuyền đánh cá với mong muốn năm mới có nhiều thắng lợi. Chuyến tàu đầu năm bắt được nhiều cá, tôm nhưng ngư dân chẳng lấy đó làm vui, do giá nhiên liệu tăng mạnh.
“Thuyền chúng tôi công suất 380CV, bình thường mỗi chuyến phải có 5 - 6 người để đánh bắt nhưng những ngày gần đây không thuê được nhân công do mỗi chuyến biển gần như không có lãi. Càng đi xa càng lỗ nên chúng tôi phải chuyển đánh bắt từ xa bờ sang gần bờ. Hải sản đợt này cũng bấp bênh, khó tiêu thụ, trong khi đó giá xăng dầu tăng nên chúng tôi cũng rất sợ đi biển”, ông Hiếu nói.
Vừa nhập hải sản cho thương lái, ông Nguyễn Thành Chung (trú Thạch Hải, huyện Lộc Hà) vừa kể, chuyến tàu lần này chỉ đánh bắt được lượng hải sản bán được 7 triệu đồng nhưng chi phí nhiên liệu và thực phẩm đã ngốn mất hơn 5 triệu đồng. Tính ra ông cùng 5 ngư dân trên thuyền chỉ được mỗi người 200 ngàn đồng. “Giá xăng dầu tăng mạnh khiến dân biển chúng tôi khốn đốn vì chi phí đánh bắt bị đội lên, thu nhập thì giảm sút. Giờ nói đi ra khơi ai cũng sợ lỗ, vì thế nên dịp ra Tết muốn tìm nhân lực đi biển cũng khó vì không ai mặn mà”, ngư dân Chung nói. Ông Chung cho hay, giá hải sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giảm, trong khi đó giá nhiên liệu tăng cao, gần 19 ngàn đồng/lít nên chi phí mỗi chuyến tàu bị đội lên từ 3-4 triệu đồng với những tàu có công suất nhỏ, còn tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ chi phí đội lên cả chục triệu đồng.
Tại Thanh Hóa, gia đình ông Dương Văn Lệ (xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc) có 4 tàu cá, trong đó có 2 tàu có công suất 1.300 CV, 2 tàu có công suất 450 CV. Trong khi thời tiết có gió lớn, không thuận lợi mà giá xăng dầu lại tăng, khả năng thua lỗ cao nên ông Lệ không dám cho tàu ra khơi vào thời điểm này. Theo ghi nhận, đối với tàu có công suất lớn từ 820 CV trở lên, mỗi chuyến ra khơi từ 12-17 ngày, các chủ tàu phải mất thêm khoảng gần 70 triệu đồng. Trong khi đó sản lượng khai thác được cũng như giá hải sản hiện nay thấp; trừ các khoản chi phí khác, thì chủ tàu phải bù lỗ.
Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Hiện nay, tại cảng cá có khoảng hơn 200 tàu neo đậu. Sau Tết, trước thời điểm tăng giá xăng dầu, có khoảng gần một nửa số lượng tàu neo đậu ở cảng ra khơi khai thác (chủ yếu có hành trình đi từ 5-7 ngày) đã trở về cảng. Khi giá xăng dầu tăng, mỗi chuyến ra khơi mất thêm từ 20 triệu đến gần 70 triệu đồng (tuỳ công suất từng tàu). Số tiền bán hải sản đánh bắt được không đủ mua nhiên liệu… do đó nhiều tàu phải nằm bờ.
"Giá xăng dầu tăng mạnh khiến dân biển chúng tôi khốn đốn vì chi phí đánh bắt bị đội lên, thu nhập thì giảm sút. Giờ nói ra khơi ai cũng sợ lỗ".
Ngư dân Nguyễn Thành Chung
Ông Trần Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà chia sẻ, tại địa phương có 25 chiếc tàu công suất trên 90CV. “Thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng, nhiều thuyền đậu bờ không ra khơi. Đánh bắt hải sản ở Hà Tĩnh gặp khó nay lại khó khăn hơn. Riêng tại Thạch Kim có khoảng trên 100 tàu thuyền công suất lớn, nhưng nay chỉ có 50% hoạt động. Số tàu ra khơi cũng thu nhập thấp, ngày công giờ chỉ từ 50-100 ngàn đồng/người, dân không mặn mà với nghề biển”, ông Lê Tiến Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết.
Doanh nghiệp vận tải gặp khó
Lo lắng trước giá xăng tăng cao kỷ lục, một chủ DN vận tải ở Nghệ An chia sẻ: “Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19. Nay giá xăng, dầu tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế vừa trở lại hoạt động theo trạng thái bình thường mới khiến các đơn vị doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn xã hội khó khăn, doanh nghiệp cũng đang cố gắng tìm cách cầm cự. Thực tế, doanh nghiệp đang ở thế khó vì giá vé đã niêm yết, không được tăng”.
Chủ nhà xe cho biết, chi phí xăng dầu chiếm 30 - 40% phí vận chuyển. Giá xăng, dầu “nhảy múa” cùng nhiều chi phí khác cũng tăng theo khiến doanh nghiệp chật vật. “Nếu xăng, dầu tiếp tục tăng sốc, đơn vị sẽ buộc phải điều chỉnh cước vận chuyển tương ứng. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách. Hơn nữa việc điều chỉnh cũng phải hết sức khéo léo, thận trọng nếu không rất dễ mất khách hàng”, một DN ngành vận tải cho hay.
Ông Lương Kim Hải (nhà xe Sao Nghệ) lo lắng, trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. “Giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai mua”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Đạt - Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải và Thương Mại Vạn Xuân kể, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. “Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít, người lao động không có việc làm. Hiện, 50% số lượng phương tiện của DN hoạt động, doanh thu chỉ đạt 15% - 20% so với trước khi xảy ra dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác”, ông Đạt nói.