Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Đồng thời phải công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý.
Với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành, doanh nghiệp rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất; thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng.
Trường hợp hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, các cơ quan liên quan rà soát phương án giá, nếu có yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.
Xăng dầu giảm lần thứ 5 liên tiếp, cước vận tải vẫn cao
Từ 15h ngày 11/8, giá xăng RON92 giảm 904 đồng/lít, xăng RON95 giảm 939 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.213 đồng/lít, dầu mazut giữ nguyên giá. Như vậy, sau 5 lần giảm giá liên tục, giá xăng dầu đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, giá cước vận tải - dịch vụ được cho là liên đới trực tiếp, chặt chẽ với xăng dầu - mới chỉ giảm ở một số doanh nghiệp với mức giảm khiêm tốn, còn đa số vẫn neo cao. Theo các chuyên gia và người dân, điều này là không công bằng.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải lý giải, sở dĩ giá vé tuyến chở khách cố định của nhiều hãng chưa giảm là vì trong thời gian vừa qua, khi giá xăng dầu tăng mạnh, nhiều nhà xe vẫn không đề nghị tăng giá vé và chấp nhận bù lỗ trong thời gian dài để hút khách.
"Trên lý thuyết khi giá nhiên liệu ngoài thị trường biến động ở mức độ nào đó thì giá cước vận tải cũng tăng hoặc giảm theo. Tuy nhiên, để phù hợp phải xem doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước ở thời điểm nào. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp xây dựng phương án giá cước tại thời điểm xăng dầu trên 30.000 đồng/lít thì khi giá xuống mức 25.000 đồng/lít thì bắt buộc phải hạ giá vé vận tải. Trường hợp doanh nghiệp làm phương án giá cước khi xăng dầu ở mức 25.000 đồng/lít thì đến giờ mới đủ bù chi phí và bắt đầu có lãi để duy trì hoạt động", vị này bày tỏ.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, đơn vị cũng đã kịp điều chỉnh giá cước vận tải. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - đơn vị đang sở hữu hơn 300 đầu xe gồm xe khách, xe taxi, xe tải hàng - cho biết ngay trong chiều 11/8, ban lãnh đạo công ty đã họp và thống nhất giảm giá cước từ 5 - 10% tùy từng loại hình vận tải.
"Nhiên liệu chiếm 30 - 35% cơ cấu giá đầu vào ngành vận tải nên khi giá xăng dầu giảm, giá cước lập tức sẽ tự động giảm theo. Đây là lần giảm giá cước thứ hai của chúng tôi, nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng và phù hợp diễn biến giá xăng dầu trên thị trường", ông Hải nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, cho biết đang tính toán giảm thêm cước vận tải cho phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường. Trước đó, đơn vị cũng đã giảm cước vận chuyển 300 đồng trên mỗi kg nông sản.