Tin đưa ra trong mùa Noel, và đây là đơn đặt hàng lớn nhất từ trước tới nay. Theo hãng Tesla, xe Semis chạy được 500 dặm cho mỗi lần sạc, giá bán chừng 150.000 USD, bắt đầu sản xuất năm 2019. UPS cho biết, hướng đi của công ty là giảm lượng khí nhà kính đến 12%, từ nay đến năm 2025.
Bếp Thế Hệ Xanh trên vùng cao Việt Nam.
Thông tin hấp dẫn này kích thích ghê gớm, vì luôn có hàng loạt sáng kiến từ suy nghĩ, và hành động sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm tốt cho môi trường, chống ô nhiễm. Tuần trước, khi tôi viết bài sản phẩm nước dừa bật nắp khoen uống tươi Cocolala, thì chỉ trong một ngày đã có 1.000 bạn like sản phẩm mới này, và nhiều bạn còn mê mẩn tìm cách kiếm cái gáo dừa trồng những mạ xanh, dương xỉ nhỏ xinh trang trí xanh cho bàn làm việc.
Vâng, quả thực, những sáng kiến xanh, chống ô nhiễm và thân thiện môi trường đang là nguồn cảm hứng sáng tạo không dừng. Chúng ta còn nhớ cô gái “dữ dội” vì rất quyết đoán trong kinh doanh, lại có cái tên trái ngược: Lê Hiền với sáng kiến “than gáo dừa không khói”. Hiền không tham gia các hoạt động thường xuyên trong chuỗi hướng dẫn khởi nghiệp trong nông nghiệp của BSA, song lại nghiễm nhiên chiếm giải nhất tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 3 mà BSA tổ chức. Cô nghiên cứu: Bến Tre mỗi năm cho ra 9.000 tấn gáo dừa, nếu chỉ đốt rồi xuất đi Trung Quốc giá rẻ, là quá uổng. Hiền còn thấy TP.HCM có 229 quán nướng cần 150kg than mỗi ngày. Bây giờ, thay vì xuất nguyên liệu thô đi Hong Kong, cô quyết xuất sản phẩm bếp gáo dừa không khói thương hiệu Việt Nam ra thế giới.
Sáng kiến này, khiến tôi nhớ tới sáng kiến bếp vuông sinh khối hoá khí tên Thế Hệ Xanh mà hai bạn thạc sĩ tài chính tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, quyết tâm về nước khởi nghiệp để giúp người dân vùng cao. Hôm gặp nhóm kỹ sư tập đoàn công nghệ Deloitte đến cuộc họp của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, có giới thiệu con robot DK2 rất sinh động; thì cái tên Panasonic được Deloitte kể trong số những đối tác sử dụng robot của họ. Điều đó không gây ngạc nhiên, vì Panasonic là một công ty điện tử gia dụng nổi tiếng của Nhật. Nhưng, khi đọc bài báo viết về công trình rau xanh của Panasonic, mới thấy lạ lùng. Từ một nhà kho bỏ trống 250m3, họ thử trồng rau bằng đèn LED công nghệ cao. Số rau lớn lên sạch và tốt, được ưa chuộng ở thị trường Singapore, và hiện nay họ có ý định tăng sản lượng đến 15%, đáp ứng nhu cầu rau cho đảo quốc này.
Một sáng kiến được áp dụng thành công ở nhiều nước châu Âu là “bức tường rêu nhỏ trong thành phố”. Bức tường rêu nhỏ mang tên CityTree, do hãng Green City Solutions ở Berlin sáng chế, là một thiết bị di động loại chất ô nhiễm, đã được dựng lên ở nhiều thành phố như Oslo, Paris, Brussels và Hong Kong, chỉ cao dưới 4m, với hai phiên bản: có ghế và không ghế. Hãng cho biết, họ chọn rêu “vì các vườn rêu có một diện tích lá bề mặt lớn hơn nhiều so với bất kỳ loài thực vật nào. Nó có thể hấp thu được nhiều chất gây ô nhiễm hơn”, Zhengliang Wu, đồng sáng lập của Green City Solutions, nói. Tường rêu này có lợi ngang với 275 cây cối thông thường.
Bức tường rêu ở Berlin.
Một sáng kiến khác đang thương mại hoá tốt nữa là dùng nấm làm vật liệu xây dựng hay gia dụng. Sợi nấm khô có thể chế tạo thành một chất kết dính đặc biệt, tạo nên vật liệu bền hơn bêtông, cách âm, cách nhiệt và tạo hình linh hoạt hơn cả sợi thuỷ tinh. Tác giả công bố tác dụng của sợi nấm là công ty Ecovative đến từ Mỹ. Đến nay, họ đã đưa ra thị trường một số sản phẩm khác cũng sử dụng loại nguyên liệu này như: chiếc đèn bàn mang tên Đèn nấm, hoặc chậu cây trồng Hoa nấm.
Ở Việt Nam, những sáng kiến xanh thô sơ cũng bắt đầu được phát động rộng rãi và áp dụng nhiều. Ở phiên chợ Xanh – Tử tế, chúng ta thấy “túi nilông tự huỷ” hay bao bì bằng lá chuối được ưa dùng. Nhiều loại cây thiên địch hay sử dụng thảo dược làm những hợp chất thay thuốc trừ sâu, diệt cỏ được sử dụng trong canh tác nông sản sạch và an toàn.
Nếu quan tâm hơn tới những giải pháp công nghệ, hiện cũng có nhiều ứng dụng hay như trường hợp Ma Jun ở Trung Quốc. Ma Jun là một nhà hoạt động môi trường, ông đưa ra sáng kiến thu thập các dữ liệu thời gian thực từ các website chính phủ, trích xuất từ các thiết bị theo dõi nước thải tại 13.000 nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước nhiều nhất Trung Quốc. Dữ liệu này được tổng hợp vào ứng dụng tên gọi là Blue Map, được cung cấp cho Apple và Wal-Mart, nhà máy gây ô nhiễm bị loại tức thì ra khỏi danh sách nhà cung ứng. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập và sử dụng miễn phí. Chính sự “trừng trị” bằng kinh tế (bị Apple hay Wal-Mart cắt hợp đồng cung ứng), còn “linh” hơn kêu gọi chính quyền địa phương xử lý (xử lý thường chậm, vì họ đóng rất nhiều thuế).
Tóm lại, trong nhiều lãnh vực, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ các bạn trẻ có thể có những khởi nghiệp vừa sáng tạo, bán tốt mà đóng góp cho môi trường xã hội khá nhiều. Chúng ta có một chàng tiên phong rất tốt là Elon Musk đang tạo niềm cảm hứng về bảo vệ môi trường không bao giờ cạn. Hãy cám ơn Elon Musk và tiếp tục con đường “sáng kiến xanh, cơ hội vàng” nhé.