Lẽ ra, nội bộ Goldman Sachs nên cảm thấy hài lòng khi gần như mọi thứ đều khởi sắc: Hoạt động kinh doanh trên Phố Wall đang bùng nổ, thị trường chứng khoán bứt phá, ngân hàng này cuối cùng cũng khép lại vụ bê bối 1MDB sau 6 năm. Tuy nhiên, công ty này lại chú ý việc các giám đốc điều hành có những chuyến du lịch riêng và họ tranh luận liệu công việc sẽ linh hoạt như thế nào sau khi Covid-19 qua đi.
Những vấn đề này dường như bắt nguồn từ Solomon – người nắm quyền lãnh đạo từ 2 năm trước và tự nhận xét mình là một CEO có quan điểm hiện đại. Ông đã nới lỏng quy định trang phục của Goldman và chia sẻ rất thoải mái về sở thích thả diều lướt ván cũng như làm DJ của mình.
Tuy nhiên, ông vẫn mang những đặc điểm nổi bật của một người có sự nghiệp bắt nguồn từ lĩnh vực trái phiếu rác ở ngân hàng Drexel Burnham những năm 1980 và sau đó là ở Bear Stearns. Solomon nổi tiếng là một người làm việc không ngừng nghỉ và khá thẳng thắn. Điều này lý giải tại sao ông lại tỏ ra khó chịu khi lực lượng nhân sự bị phân tán trong thời gian đại dịch bùng phát.
Đại dịch đã tạo ra một luồng gió mới trên Phố Wall và Goldman Sachs nói riêng, khi khách hàng đổ xô thực hiện các khoản đặt cược và huy động vốn. Năm ngoái, doanh thu của Goldman đã tăng 22% lên 44,6 tỷ USD – mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Cổ phiếu công ty này cũng tăng gấp đôi trong 12 tháng qua, chỉ đứng sau Morgan Stanley trong cùng ngành.
1 năm sau đại dịch, lợi nhuận tăng vọt của Goldman Sachs cùng những dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ. 3 người đứng đầu nhà băng này – CEO ngân hàng đầu tư Gregg Lemkau, CEO ngân hàng tiêu dùng Omer Ismail và trưởng bộ phận quản lý tài sản Eric Lane, đã bất ngờ rời đi trong những tháng gần đây. Bộ 3 này là một phần của đội ngũ điều hành mà ông Solomon đã "xây dựng" nên.
Sự ra đi của các nhân sự cấp cao và một số người khác đang làm dấy lên những cuộc tranh luận tại Goldman về khả năng lãnh đạo của vị CEO. Hơn nữa, liệu có yếu tố cơ bản nào đang thay đổi một doanh nghiệp vốn nổi tiếng về sự thận trọng và sự trung thành của nhân sự hay không.
Nguồn gốc của chiếc phi cơ Gulfstream
Bloomberg đã thực hiện cuộc phỏng vấn với 20 giám đốc cấp cao hiện tại và đã nghỉ việc. Kết quả cho thấy rằng, những cựu giám đốc rất thất vọng. Khi cấp dưới phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch, thì vị CEO lại ít xuất hiện và không thể liên lạc và đi nghỉ bằng phi cơ của công ty.
Một chiếc phi cơ cho CEO dường như là một điều không mấy xa lạ trên Phố Wall. Tuy nhiên, Goldman từ lâu đã đưa ra quan điểm không mua máy bay, bởi họ lo ngại việc sử dụng những thứ "sang chảnh" sẽ nhận được sự chỉ trích của công chúng.
Sau đó, một sự cố xảy năm 2019, khi đó nhân viên môi giới của Goldman là John Rogers và ông Solomon đã tham gia cuộc họp từ xa của công ty từ khách sạn Anchroage. Chiếc máy bay NetJets họ sử dụng đã bị hỏng trên đường đến dự cuộc họp tại châu Á. Do đó, họ phải chờ một chuyến bay khác. Đây không phải là lần đầu tiên Solomon gặp khó khăn khi di chuyển bằng dịch vụ của NetJets. (NetJest là liên doanh lữ hành, do Berkshire Hathaway sở hữu)
Hồi tháng 8 năm ngoái, Goldman Sachs đã quyết định mua Gulfstream, với số hiệu ở đuôi máy bay được đặt riêng có chữ WS để ca ngợi Phố Wall và trụ sở ở Phố Tây của công ty. Các máy bay này được sử dụng cho mục đích công việc, ví dụ như giám sát các địa điểm của văn phòng tại Florida và Texas. Những chiếc phi cơ còn được sử dụng để di chuyển đến những khu nghỉ dưỡng, hầu hết là đến Bahama và Caribbean, Montana.
Nell Minow – phó chủ tịch của ValueEdge Advisors, cho biết hội đồng quản trị của công ty không công khai nên để CEO sử dụng tài sản của công ty cho mục đích cá nhân. Trong khi đó, chính sách của Goldman là hạn chế sử dụng máy bay cho mục đích cá nhân và có yêu cầu bồi hoàn.
Đằng sau đó, việc CEO sử dụng máy bay của công ty là một yếu tố gây thất vọng cho nhiều người. Roger – giám đốc nhân sự của ngân hàng, lo ngại rằng việc mua máy bay có thể làm giảm uy tín của công ty. Eileen Dillon và Beverly O’Toole – 2 giám đốc của văn phòng điều hành Goldman, đã đưa ra kế hoạch hoàn trả chi tiết để tránh sự chỉ trích.
Vị CEO không thích làm việc từ xa
Ngoài việc đại dịch diễn ra vào năm ngoái, có một điều khiến Solomon không hài lòng, đó là việc gặp gỡ 1 nhân viên cấp dưới ở Hamptons. Ông bước vào nhà hàng, giới thiệu bản thân và mắng nhân viên này vì ra ngoài vào đúng giờ làm việc. Câu chuyện này đã trở thành "giai thoại" của vị CEO khi ông nói đến những văn phòng gần như không có người, cho rằng làm việc từ xa hoàn toàn không hiệu quả.
Ngay từ đầu tháng 7, Solomon đã nỗ lực kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng. Ông cho biết làm việc ở nhà khiến quá trình đổi mới, sáng tạo bị ảnh hưởng, cũng như các mối quan hệ xã hội. Hôm 24/2, Solomon bày tỏ quan điểm tại 1 cuộc họp: "Đây không phải là điều tốt với chúng ta và cũng không phải bình thường mới. Đây là một điều mà chúng ta sẽ khắc phục càng sớm càng tốt."
Ngay sau lời phát biểu này, điện thoại của vị cựu CEO - ông Lloyd Blankfein, bắt đầu rung chuông. Những đồng nghiệp lâu năm của ông tại ngân hàng đang tìm kiếm người để tâm sự trước quan điểm gây tranh cãi của Solomon.
Solomon là một giám đốc hiếm hoi của Goldman Sachs khi ông đã có một sự nghiệp đáng chú ý trước khi đến với "gã khổng lồ" của Phố Wall vào năm 1999. Không như những người tiền nhiệm, ông ít gắn bó với những người từng tạo "ánh hào quang" cho Goldman. Thay vào đó, ông dành nhiều thời gian cho những mối quan hệ đối tác từng có như một doanh nghiệp thông thường.
Nhân sự cấp cao lần lượt ra đi
Tuy nhiên, điều này cũng làm suy yếu sự trung thành của các nhân viên. Trong khi đó, nhân sự của Goldman Sachs luôn có cơ hội hấp dẫn hơn ở nơi khác. Khi lên vị trí lãnh đạo, Solomon nhanh chóng thay đổi vị trí lãnh đạo, chỉ để lại một trưởng bộ phận lớn ở thời điểm đó là Ashok Varadhan. Vài tháng trước, ngay cả đội ngũ lãnh đạo mà ông sắp xếp cũng rời đi.
Gregg LemKau đã khiến Phố Wall choáng váng khi "đầu quân" cho công ty đầu cơ của Michael Dell. Ismail và cấp phó của ông gia nhập liên doanh tài chính của Walmart. Gần đây, giám đốc nhân sự Ida Hoghooghi đã rời vị trí điều hành, kết thúc hơn 16 năm cống hiến cho công ty. Ngoài ra, Lane đã thảo luận với Solomon về việc chuyển sang Tiger Global Management và ông không đồng ý với lời thuyết phục ở lại của vị CEO.
Theo Bloomberg, sự thẳng thắn của Solomon đã khiến các đồng nghiệp không hài lòng. Ông thường xuyên gọi điện cho các giám đốc cấp cao khi buồn phiền về một số thương vụ bị bỏ lỡ. Một số người chia sẻ rằng những chia sẻ này thậm chí còn khiến họ mệt mỏi hơn của người tiền nhiệm.
Ngoài ra, các giám đốc điều hành cũng nhận thấy Solomon không muốn bị thách thức một cách công khai. Do đó, một số người đã phải góp ý với CFO Stephen Scherr, coi ông là cầu nối để tương tác với vị CEO.
Nội bộ xáo trộn, lợi nhuận vẫn tăng cao
Dù có những bất đồng trong nội bộ, sự ra đi của một loạt nhân sự cấp cao, thì "điểm mấu chốt" của Goldman Sachs vẫn có hiệu suất tốt. Lợi nhuận ròng đã tăng 12% lên 9,5 tỷ USD vào năm ngoái, dù đã mất hàng tỷ USD cho vụ bê bối 1MDB. Theo đó, vốn hóa của nhà băng tăng vọt lên 126 tỷ USD, tăng 43% kể từ khi Solomon tiếp quản.
Ngoài ra, hơn 70% nhà phân tích chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Goldman – mức cao nhất trong 10 năm. Khi Solomon công bố kết quả kinh doanh năm 2020 hồi tháng 1, một số nhà phân tích đặc biệt ấn tượng với khả năng quản lý chi phí của ông.
Tham khảo Bloomberg