Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội những ngày qua
Xây bể ngầm chống ngập
Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác tháng 5 của UBND TP Hà Nội vừa qua, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đã tiếp tục đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng úng ngập ở nội thành và một số khu vực cố hữu khi mưa lớn.
Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các đơn vị thoát nước, công ty thủy lợi báo cáo UBND TP nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài (đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; hầm chứa nước tại khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ; nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng…).
Trước mắt, cần nghiên cứu xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom Đại lộ Thăng Long và giải pháp cho điểm trũng cục bộ tại các hầm chui dân sinh.
Ông Phong kiến nghị giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực ngã 5 Bát Đàn- Đường Thành, như đã làm tương tự bể điều tiết ngầm phố Nguyễn Khuyến, trước cửa Trường THCS Lý Thường Kiệt.
Trên thực tế, giải pháp chống ngập đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, thành công nhất có thể kể đến là Nhật Bản. Trong đó, Tokyo trước đây cũng thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa do nước các sông Tone, Are và Edo dâng cao.
Đỉnh điểm là bão Mireilles vào tháng 9-1991 đã làm 30.000 ngôi nhà và 100km² ở vùng ngoại ô của Tokyo ngập sâu, làm 52 người thiệt mạng. Do đó, Chính phủ Nhật Bản khẩn trương nghiên cứu xây dựng hệ thống G-Cans, gồm nhiều hầm, bể chứa nước nằm sâu dưới lòng đất, bên dưới sân bóng đá và công viên.
Các hồ điều tiết Sanno hay hệ thống G-Cans đã giúp nâng cao năng lực tiêu thoát nước, đảm bảo cho các TP vừa kể trên chống chọi với những trận mưa có vũ lượng lớn. Minh chứng là từ khi hoàn thành hồ điều tiết Sanno (năm 2012) đến nay, TP Fukuoka không bị ngập như những năm trước, đặc biệt nhà ga Hakata chưa bao giờ bị ngập lại.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, vấn đề mấu chốt cho tương lai vẫn phải quy hoạch không gian ngầm để làm các bể chứa, điều này rất quan trọng. Làm bể ngầm không chỉ chống ngập úng lúc mưa mà còn tích trữ nước lúc hạn hán. Đây là bài toán tổng hợp, có tầm nhìn, cần phải tham vấn cả chuyên gia địa chất.
Cần sớm giải bài toán thoát nước cho Thủ đô
Theo vị chuyên gia, vấn đề đặt ra trước mắt để chống ngập úng, là phải hạn chế bêtông hóa đường phố Hà Nội. Nhiều tuyến đường của Hà Nội toàn nhà cao tầng nhưng chưa tính toán hết cống ngầm. Bây giờ vẫn là hệ thống cống cũ, chưa kết nối hài hòa. Hà Nội đang phải trả giá cho việc bêtông hóa lấp đi rất nhiều "túi nước" (ao, hồ). Năm 2008 mưa kéo dài một ngày đêm đã ngập toàn thành phố trong nhiều ngày.
Song, thực tế tại Việt Nam, TP HCM trước đó cũng đã học hỏi kinh nghiệm và xây thí điểm hồ điều tiết chứa nước ngầm có dung tích khoảng 100m3 bằng vật liệu "cross - wave" để chống ngập lụt. Song, thực trạng của TP HCM những năm qua không khá khẩm hơn trước là bao.
Trong khi đó, nhìn rộng ra vấn đề của Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, điều đáng lo ngại nhất của Hà Nội hiện tại là cấp thoát nước chưa được cải thiện nhưng chuẩn bị lấp rất nhiều ao hồ.
Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội năm 2020, nhiều hồ nước ở Thủ đô sắp bị lấp để làm nhà, làm đường. Đơn cử tại quận Hoàng Mai, có thể kể đến hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh san lấp để xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House); hồ nước gần BV điều trị người bệnh Covid-19 san lấp để xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai; một phần hồ Thanh Trì sẽ san lấp để làm đường, làm nhà với diện tích khoảng 1,8 ha.
Tại Long Biên có thể kể đến như hồ Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thực trạng của Thủ đô là khi Hà Nội mở rộng nội thành, rất nhiều vùng trũng đã được san lấp. Những khu đô thị mới như Linh Đàm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy hầu hết mọc lên ở các vùng trũng, các dự án đào hồ mới lại chậm tiến độ dẫn đến ngập úng ngày càng nghiêm trọng.
Đây cũng là căn cứ để đặt ra các lo ngại về việc nhiều hồ nước tại Hà Nội sắp bị lấp để làm các dự án đô thị, có thể dẫn đến hệ lụy là nước mưa sẽ tràn vào các đường phố gây ngập úng.