Thế giới đang thay đổi, nhiều cơ hội lớn mở ra cho Việt Nam. Tuy nhiên những doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam có tiềm lực cả về tài chính lẫn nguồn nhân lực, lại trong tình trạng không thể vươn ra thế giới chớp lấy những cơ hội này.
Những doanh nghiệp mở đường
Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn tất, trình Chính phủ.
Theo Đề án, có 7 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện này, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Tiêu chí để được chọn là những "doanh nghiệp dẫn dắt", theo đề án, là cần có tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, chiếm thị phần từ 30% trở lên, lợi nhuận trên vốn lớn hơn 6%, được quản trị tốt trên cơ sở thông lệ quốc tế (OECD), có khả năng hấp thụ và làm chủ công nghệ cao, đứng vững trước những “rung lắc” của nền kinh tế...
Đây sẽ là các doanh nghiệp có tính chất mở đường, dẫn dắt hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.
Các Bộ ngành, cơ quan sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp,... Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án cụ thể. Giám đốc điều hành doanh nghiệp Nhà nước được thực hện theo cơ chế thị trường, có thể thuê tổng giám đốc nước ngoài.
Các chính sách này phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giải thích, những doanh nghiệp trên được xác định thuộc những ngành có tính chất mở đường và dẫn dắt. “Mở đường” được hiểu là theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Còn “dẫn dắt” theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.
Rào cản cơ chế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp nhà nước có số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh,...
Cuộc cách mạng 4.0, chiến tranh thương mại của các nước lớn, vấn đề dịch bệnh đang làm thay đổi cấu trúc, trật tự đầu tư và thương mại thế giới. Việt Nam hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là những cơ hội lớn, nhưng doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam đang trong tình trạng không thể vươn ra thế giới chớp lấy những cơ hội này. Cơ hội có nhưng không có cơ chế, nên không tận dụng được.
Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần phải tạo ra đội ngũ doanh nghiệp có tầm vóc, để đón nhận cơ hội mới, hướng vào các lĩnh vực mới, đưa đất nước đi lên.
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viettel, cho rằng, chính cơ chế hiện nay đang là rào cản không cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển vươn lên. Từ trước các cơ quan quản lý, cứ ngồi viết văn bản, giấy tờ là nghĩ ngay về quản kiểm, “trói” doanh nghiệp nhà nước.
"Tôi mong các bộ, ngành từ nay hãy coi doanh nghiệp nhà nước gần giống với doanh nghiệp tư nhân. Về cơ chế để phát triển doanh nghiệp nhà nước, phải được giống như doanh nghiệp tư nhân. Phải cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước quyền tự quyết, từ tổ chức doanh nghiệp, vay vốn, đầu tư dự án... ", ông Dũng nói.
Phải để cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm và chịu trách nhiệm rõ ràng những cái họ làm. Vấn đề quan trọng nhất là chính sách, cơ chế và chế tài hậu kiểm. Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân nếu thất bại thì họ chỉ mất tiền thôi, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nếu thất bại, ngoài tiền còn cả sinh mệnh chính trị.
Ông Dũng lấy ví dụ bất cập: "Việc thu phí không dừng trên cao tốc, chúng tôi phải xin làm thủ tục mất 2 năm. Nếu hôm nay tôi nảy ra ý tưởng kinh doanh một ngành mới, phải làm các thủ tục báo cáo, xin phép đầu tư mất rất nhiều thời gian; hay muốn bỏ một ngành nào đi khi thấy không cần nữa cũng rất khó khăn. Kinh doanh là thời cơ, mất vài năm thì thời cơ đâu? Hay đầu tư nước ngoài cũng vậy. Doanh nghiệp nhà nước mà muốn mua cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài, muốn thoái vốn ở nước ngoài không hề dễ dàng. Vậy thì làm sao có thể vươn ra chớp lấy cơ hội được".
Nhiều ý kiến từ các tập đoàn như VNPT, EVN,... cũng cho rằng, muốn để doanh nghiệp nhà nước vươn lên thành những tập đoàn lớn nắm vai trò mở đường và dẫn dắt, có vị trí trên trường quốc tế thì vấn đề chính hiện nay là cơ chế. Cơ chế hiện nay khiến các doanh nghiệp nhà nước không thể nhúc nhích được. Không nhúc nhích được thì làm sao đi trước mở đường và dẫn dắt. Cần có thay đổi cơ bản về cơ chế, mới có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước vươn ra biển lớn.
Trần Thủy