Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao cho 4 tỉnh miền Trung bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hiện đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh - nguồn lợi thủy sản. Các dự án này được sử dụng từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh).
Tỉnh Hà Tĩnh được bố trí 400 tỷ đồng để thực hiện các dự án gồm: Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) với mức đầu tư 280 tỷ đồng; nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (Nghi Xuân) 20 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) 40 tỉ đồng và dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) trị giá 60 tỷ đồng.
Tháng 9/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với kinh phí 400 tỷ đồng, được phân bổ từ khoản tiền bồi thường nói trên.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, dự án cảng cá Cửa Nhượng triển khai xây dựng vào tháng 1/2024, sau 2 tháng khởi công, dự án cảng cá Cửa Nhượng đã thi công đạt hơn 10% khối lượng công việc.
Trên công trường, các công nhân tranh thủ gấp rút đẩy mạnh tiến độ thi công để sớm bước vào giai đoạn lắp ráp cấu kiện. Khi thời điểm con nước rút, Ban quản lý dự án huy động nhiều máy móc hoạt động tối đa để đắp nền, đắp đường nội bộ cảng và thi công đóng cọc bê tông cầu cảng…
Ngư dân ngư dân Nguyễn Chí Thành (trú tại xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên), cho biết: "Được đầu tư xây dựng cảng cá Cẩm Nhượng khiến người dân chúng tôi vui mừng lắm. Do khu vực lạch dẫn vào chợ cá bị bồi lấp nặng khiến tàu chúng tôi phải ngoài xa bất tiện khi ra khơi đánh bắt cá cũng như khi quay trở lại bờ. Bên cạnh đó khi mùa mưa bão tới sẽ nguy hiểm đến tàu thuyền lẫn tính mạng ngư dân. Khi cảng cá được hoàn thành việc giao thương buôn bán cũng thuận lợi, ngư dân bán cá có giá trị".
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt cảng cá Cửa Nhượng bao gồm các công trình giao thông: bến cập tàu từ 150CV-400CV; bến cập tàu dưới 150CV; bãi tiếp nhận thủy sản diện tích 2.400 m2; nạo vét luồng vào cảng và khu vực vùng nước trước cảng; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa; kè bờ, đê ngăn cát, đường nội bộ trong cảng.
Dự án cảng cá Cửa Nhượng có tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng với quy mô rộng khoảng 5 ha bao gồm nhà điều hành 2 tầng, nhà tiếp nhận thủy sản, nhà tập kết chất thải rắn, nhà thanh tra, bến cập tàu liền bờ, nhà bảo vệ, nhà để xe, khu nhà vệ sinh; hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, thoát nước mưa, điện chiếu sáng. Cùng đó là hạng mục cấp điện và một số công trình khác theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.
Cảng cá Cửa Nhượng hiện có liên danh 9 nhà thầu thi công. Trong đó có 5 nhà thầu chính là: Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 269 (Cẩm Xuyên), Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Thới Bình (TP Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần đầu tư Thành Công (Nghệ An), Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Quê Hương (TP Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần đầu tư Quốc Việt (Nghệ An).
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Sơn - cán bộ BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Khi đưa vào sử dụng, công trình góp phần hoàn thiện hệ thống cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh phù hợp với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; đáp ứng nhu cầu hậu cần nghề cá, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường; khôi phục, phát triển sản xuất thủy sản và xây dựng nông thôn mới".