Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Quảng Ninh hiện đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ điện tử giúp dữ liệu kết nối, liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT). |
Năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index, nằm trong top 5 xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của các tỉnh thành, địa phương.
Quảng Ninh hiện đã có hơn 400 đơn vị hành chính tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản gần 15 tỷ đồng mỗi năm. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600.000 hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình 1 năm trên 70 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử ở Quảng Ninh giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu 01 lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, xây dựng chính quyền điện tử sẽ làm thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc nên để triển khai thành công trước tiên cần có sự quyết tâm cao độ từ phía lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận cao của các cấp.
"Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong triển khai thành công chính quyền điện tử. Phải lựa chọn được đối tác triển khai có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực đồng hành cùng địa phương trong suốt quá trình triển khai thực hiện và quản trị, duy trì, nâng cấp hệ thống liên tục theo sự phát triển của chính quyền điện tử", ông Hậu nhấn mạnh.
Lãnh đạo phải là người đi đầu tin học hóa
Là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử trong cả nước, bí quyết thành công của Thừa Thiên - Huế là thực hiện theo phương châm "từ điểm đến diện", "từ vận động khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc và trở thành nhu cầu không thể thiếu của công chức".
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử của tỉnh là người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực và Nhà nước kiến tạo, trong đó, kế thừa và phát huy tối ưu thành tựu khoa học công nghệ như internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI)...
Bên cạnh xây dựng chính phủ điện tử, vấn đề bảo mật an toàn thông tin cũng cần phải đặt lên hàng đầu. (Ảnh: KT). |
"Ý trí của người đứng đầu trong xây dựng chính quyền điện tử rất quan trọng, trong đó cần quyết liệt xây dựng nhận thức tin học hóa cán bộ. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa", ông Thọ chia sẻ.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT nhận định, xây dựng chính phủ điện tử là xu hướng của các quốc gia trong cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh số hóa công tác hành chính, quản lý, việc đảm bảo an ninh bảo mật hệ thống cực kỳ quan trọng.
Vụ việc gần đây nhất tin tặc đã đánh cắp dữ liệu y tế của 1,5 triệu người tại Singapore, khiến chính phủ nước này buộc phải tạm dừng tất cả các dự án quốc gia thông minh.
Mặc dù, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Singapore khẳng định, đây chỉ là tạm dừng chứ không phải là ngừng lại. Singapore sẽ tiếp tục các dự án nhưng phải đánh giá lại khả năng bị tấn công mạng.
"Singapore sẽ tiếp tục tiến trình quốc gia thông minh, bởi đó là cách thức hoạt động tương lai, đảm bảo hiệu quả dịch vụ công cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Singapore cho biết.
Việt Nam đang triển khai xây dựng Chính phủ số tiến tới minh bạch và công khai hóa và thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng internet khá cao.
Theo báo cáo bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc năm 2018 vừa công bố, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 1 hạng so với năm 2016, xếp thứ 88/193 quốc gia. Trong nhóm nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei. Cùng với việc đặt lộ trình xây dựng chính phủ số, điều cốt yếu phải bảo đảm an toàn an ninh bảo mật từ dữ liệu thông tin đến an ninh hệ thống./.