Xây dựng là ngành sử dụng nhiều năng lượng, chiếm khoảng 35% - 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện. Tuy nhiên, ngành xây dựng cũng có tiềm năng lớn về sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà có thể tiết kiệm từ 25% đến 67%, điều này sẽ giúp giảm chi phí vận hành tòa nhà và lượng khí thải CO2, mang lại lợi ích về môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong phát triển công trình xanh tại Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Ecopark cho biết, dự án khu đô thị Ecopark tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên – một trong những công trình xanh được lên ý tưởng xây dựng từ năm 2003, đã mất 10 năm chỉ để trồng cây và dự án không xây dựng các tòa nhà một cách ồ ạt mà làm từng phần.
Dự án có tổng vốn đầu tư ước tính gần 10 tỷ USD và tổng diện tích gần 500ha, trong đó diện tích hồ điều hòa lên tới 100ha. Lãnh đạo Tập đoàn Ecopark cũng cho biết, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Ecopark đã trở thành khu đô thị xanh kiểu mẫu của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Giới chuyên gia nhận định khi nhắc đến Ecopark , đây là một trong những nhà phát triển bất động sản đầu tiên "đánh thức" vùng đất Văn Giang. Khu đô thị Ecopark là một mô hình thành công điển hình về phát triển đô thị xanh của tỉnh, của cả nước cũng như trong khu vực. Đây là vừa là động lực, vừa là hình mẫu về môi trường, sinh thái để các khu đô thị sau này học hỏi và phát huy.
Không chỉ khu đô thị Ecopark , nhiều tòa nhà xanh , công trình xây dựng năng lượng xanh cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại Hà Nội như: khách sạn Dolce Hanoi Golden Lake, khách sạn JW Marriott Hà Nội, tòa nhà Corner Stone Building,…
Theo Savills, tiêu chí xanh rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của việc xây dựng và vận hành tòa nhà. Đây là tiêu chuẩn đánh giá và công nhận các tòa nhà, dự án đã đạt được mức độ bền vững về môi trường, hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các tòa nhà có thể được chứng nhận dựa trên thiết kế, xây dựng và vận hành, thường được trao một hạng mục hoặc mức độ chứng nhận dựa trên hiệu suất môi trường. Ở Việt Nam, hai chương trình chứng nhận công trình xanh phổ biến là LOTUS và EDGE.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xem việc giảm thiểu phát thải carbon và đảm bảo môi trường bền vững là một trong những chính sách thiết yếu. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2023 của Savills, hiện nay hơn 85% công ty thuộc nhóm các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại Việt Nam đã và đang tham gia cam kết về ESG (mức độ cam kết thực hiện các mục tiêu môi trường, xã hội và quản trị). Điều này giúp thúc đẩy nhu cầu đang tăng vọt đối với văn phòng đáp ứng tiêu chuẩn xanh.
Tại Hà Nội, thị trường đón nhận thêm khoảng 68.400m2 không gian văn phòng xanh từ nay tới cuối năm 2025 từ các dự án cao cấp như 27-29 Lý Thái Tổ, Grand Terra hay Tiến Bộ Plaza. Tương tự, tại TP.HCM, hơn 80% nguồn cung Hạng A và B của thành phố trong tương lai dự kiến đều có chứng nhận xanh.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhu cầu khách thuê đã phần nào đẩy mạnh tính cạnh tranh giữa các tòa nhà, tạo ra áp lực về giá thuê cho các tòa nhà cũ, không đáp ứng được tiêu chí về môi trường. Việc xanh hóa các tòa nhà văn phòng gần như đã trở thành yêu cầu thiết yếu. Làm việc tại những dự án này, doanh nghiệp sẽ tối ưu chi phí vận hành, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, đồng thời mang đến không gian làm việc đề cao sức khỏe thể chất, tin thần và thúc đẩy sự hợp tác giữa nhân viên.
"Hà Nội và TP.HCM cũng có một số lượng lớn các tòa nhà cũ, không đạt các tiêu chuẩn xanh. Các tòa nhà này có thể đối diện với áp lực phải giảm giá để cạnh tranh nếu không có các chiến lược cải tạo, nâng cấp phù hợp. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi giá nhiên liệu tăng cao, nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu giảm phát thải CO2 thì nhu cầu thuê văn phòng tại những tòa nhà đạt chứng nhận xanh càng lên cao, vô hình trung sẽ tạo áp lực gia tăng khoảng cách về chênh lệch giá", bà Minh nhận định.
Nhiều doanh nghiệp cho biết nhu cầu đầu tư, tư vấn về công trình thân thiện môi trường tăng nhanh ở Việt Nam. Đặc biệt, kể từ sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), lượng khách hàng quan tâm tới thiết kế xanh tăng đột biến. So với trước năm 2021, khách hàng đặt tư vấn và thi công thiết kế xanh đã tăng 30%. Số lượng các công trình xanh ngày càng đa dạng lĩnh vực từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan tới khách sạn, trung tâm thương mại, nhà xưởng…
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý III/2023, Việt Nam mới có 305 dự án đạt các chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,5 triệu m2 sàn xây dựng. Tuy nhiên, con số công trình xanh còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng "0".
Một số doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu tư tăng trung bình từ 5 – 15% để đạt một chứng nhận đạt chuẩn xanh. Tuy nhiên, giá bán hoàn toàn có thể không tăng do nhiều yếu tố về cạnh tranh, sức mua thị trường, vị thế chưa được đánh giá đúng tầm,… Công trình xanh thiết kế nếu không đúng thì sẽ vô cùng tốn kém. Quy trình để tạo ra một dự án chuẩn xanh còn phải yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư, kiến trúc sư và các kỹ sư. Vì vậy bất cứ lý do nào liên quan tới tiến độ, chi phí, kỹ thuật,… đều có thể khiến dự án sẽ trật khỏi "đường ray" theo dự tính ban đầu. Hậu quả tác động tới nguồn lực dự án khiến công trình tiết kiệm năng lượng nhưng lại lãng phí nguyên vật liệu, thiết bị và có thể khiến chủ đầu tư thành nạn nhân.
Để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh , Bộ Xây dựng đưa ra một số giải pháp. Về chính sách cần chú trọng nghiên cứu, lồng ghép các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng,... Ngoài ra, tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng "0", đô thị xanh,…
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho rằng cần thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng tuyên bố môi trường cho sản phẩm (EPD). Điều này sẽ thuận lợi hơn cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng và người sử dụng khi lựa chọn đưa vào dự án đầu tư công trình cũng như minh bạch và lượng hóa trong tính toán phát thải và tác động môi trường của sản phẩm, thiết bị, vật liệu.
"Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển công trình xanh , cần thúc đẩy phát triển tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh . Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh ", ông Thịnh chia sẻ.