Đưa chính sách tới gần người dân
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột trong hệ thống ASXH của Việt Nam. Chính sách pháp luật BHXH, BHYT đã được sửa đổi liên tục để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm ASXH, nâng cao đời sống của người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Với trên 25 năm phát triển chính sách BHXH, BHYT, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng so với các quốc gia tương đồng về phát triển và GDP. Hiện, Việt Nam có khoảng 86 triệu dân tham gia BHYT, chiếm gần 90% dân số; gần 15 triệu người lao động tham gia và thụ hưởng từ chính sách BHXH. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT và 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn còn nhiều khó khăn.
“Hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT còn một số hạn chế như loại hình tổ chức làm đại lý chưa đa dạng; các đại lý thu phân bố các điểm thu chưa đồng đều, nhân viên đại lý thu còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác”, ông Liệu đánh giá.
Do đó, theo ông Liệu, BHXH Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ mô hình hiệu quả của các nước khác để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT tại Việt Nam.
Trong những năm qua, đại lý thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Nhân viên đại lý thu đến từng nhà, tuyên truyền từng hộ gia đình, từng người dân để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; thực hiện tổ chức thu và trả kết quả cho người dân, tạo được niềm tin cho người dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Nhờ đó, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình tăng dần qua từng năm.
Tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện của nước ta trên 1,1 triệu người, trong đó số người do đại lý thu khai thác chiếm 92,5% tổng số đối tượng tham gia (còn lại 7,5% tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH); số người tham gia BHYT hộ gia đình gần 19,4 triệu người, trong đó số người do đại lý thu khai thác chiếm 95%.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và phát triển đại lý thu BHXH, BHYT
Hơn 11 nghìn đại lý thu khắp cả nước
Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, qua 14 năm ra đời, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đã phát triển sâu rộng đến từng địa bàn xã với đa dạng hóa các loại hình. Tính đến hết năm 2020, cả nước có tổng số 11.851 đại lý thu với hơn 52.200 nhân viên.Theo ông Hùng, đại lý thu được ví là cánh tay nối dài của cơ quan BHXH.
Với lợi thế bám sát địa bàn, hàng ngày tiếp xúc với người dân, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT tại cơ sở.
Do đó, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển đại lý thu BHXH, BHYT và nhân viên đại lý thu theo hướng chuyên nghiệp. Để đạt mục tiêu đó, các đại lý thu BHXH, BHYT cần tiếp tục được đầu tư để đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật tại mỗi điểm thu; ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin trong hoạt động của đại lý thu; đảm bảo kiến thức nghiệp vụ và các kỹ năng cho nhân viên đại lý thu...
Tại Hội thảo, đại diện của 6 tổ chức quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống đại lý thu của các nước Nhật Bản, Indonesia và trên thế giới, gồm: Liên đoàn Luật sư Sharoushi - Nhật Bản; cơ quan ASXH người lao động Indonesia; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA); Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA).
Với những chia sẻ tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tin tưởng và mong muốn, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng hệ thống đại lý thu. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia, tiến tới hoàn thiện lộ trình thực hiện BHXH, BHYT toàn dân.
Theo BHXH Việt Nam, tới nay cả nước đã có 11.851 đại lý thu BHXH, BHYT với 37.728 điểm thu và 52.225 nhân viên. Các đại lý gồm: Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn; các đơn vị sự nghiệp; các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức kinh tế.