KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh khá phổ biến trên thế giới và mục tiêu để giảm áp lực vào các trung tâm. Tại Việt Nam, mô hình này đã áp dụng khá lâu như sau trận lũ lụt năm 1971, sau chiến tranh biên giới 1979.
Năm 2008, sau khi Hà Nội mở rộng, để giảm áp lực cực lớn cho khu vực trung tâm, thành phố đã ứng dụng mô hình đô thị vệ tinh hỗ trợ cho đô thị trung tâm và có chức năng riêng. Ví dụ Hoà Lạc là đô thị có chức năng chính là giáo dục, khoa học-công nghệ cao; Sóc Sơn là đô thị tâm linh, Phú Xuyên là đô thị đầu mối giao thông-chế biến nông sản. Liên kết giữa đô thị trung tâm là hệ thống giao thông hiện đại. Giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm là hành lang xanh.
Thưa ông, thực tế quy hoạch đô thị vệ tinh Hà Nội chúng ta đã đặt ra hàng chục năm trước nhưng vì sao vẫn chỉ là quy hoạch treo?
Từ trước đây chúng ta đã có đô thị vệ tinh nhưng lần này đặt ra với yêu cầu mới là phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tuy nhiên, chúng ta triển khai rất chậm. Sau 5 năm mở rộng Hà Nội chúng ta mới có quy hoạch chung đô thị vệ tinh và cũng chưa biết khi nào mới có quy hoạch chi tiết. Như tôi đã phân tích, giải pháp căn cơ nhất cho Hà Nội chính là phát triển đô thị vệ tinh. Tổng cộng các đô thị vệ tinh của Hà Nội mới có 0,4 triệu dân. Nếu chúng ta giải quyết được 5 đô thị vệ tinh thì chúng ta có thể tạo dựng được cuộc sống của 1,4 triệu dân trong tương lai. Hiện nay tại các khu vực này mới có 0,4 triệu dân thì cần đưa thêm 1 triệu dân đến 5 đô thị vệ tinh. Như vậy nếu phát triển tốt các đô thị vệ tinh sẽ giảm sức nén dân số lên đô thị trung tâm.
Đô thị Hòa Lạc đã được đặt ra từ khi còn thuộc tỉnh Hà Tây. Đây là nơi hỗ trợ cho Hà Nội mà còn hỗ trợ cho cả vùng Thủ đô. Hơn 20 năm trước chúng ta đã quy hoạch đô thị Hoà Lạc, đã có Ban quản lý do Bộ Xây dựng phụ trách. Mặc dù đã có 4 lần điều chỉnh cục bộ đối với đô thị này nhưng vẫn không tạo thuận lợi cho phát triển. Tuy nhiên, lần này Thủ tướng đã chấp thuận cơ chế đặc thù, HĐND thành phố đã thông qua quy hoạch chung sẽ tạo ra tiền đề mới cho phát triển.
Vấn đề đặt ra là cần phải có cơ chế giải phóng mặt bằng thích hợp. Đây là vấn đề vướng mắc lâu nay. Vấn đề thứ hai là phải tạo ra nguồn lực từ xã hội hóa. Qua các lần kêu gọi đầu tư, nếu có cơ chế thích hợp thì có thể huy động được các nguồn lực. Phải có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, thẩm quyền quyết định của dự án lớn. Với khoảng 19 nghìn héc ta đất đô thị của đô thị vệ tinh thì cần phải có cơ chế rất cụ thể để huy động nguồn lực, nguồn vốn.
Theo tôi, định hướng đã có nhưng chưa được thể chế hóa. Vấn đề quản lý dân số cần được đặt ra, cần có chính sách ưu đãi rất cụ thể về nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, cán bộ, công chức, giáo viên. Hệ thống giao thông công cộng phải sớm được đầu tư nhằm kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm. Phải sớm quy hoạch chi tiết, công khai, và nên giao các chủ đầu tư đề xuất các dự án và tránh tình trạng xin-cho. Hà Nội cũng đang nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô và đây là cơ hội để phát triển các đô thị này. Thực tế, vừa qua dự án xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc tiến độ rất chậm. Việc di dời các trường đại học từ trung tâm ra bên ngoài cũng chậm. Đây là bài học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
“Về quy trình, sau khi HĐND thành phố thông qua, Quy hoạch sẽ qua sự thẩm định của Bộ Xây dựng và cuối cùng là Thủ tướng duyệt. Sau đó sẽ có quy định về quản lý và điều lệ quản lý cụ thể. 4 đô thị vệ tinh còn lại quy mô nhỏ hơn thẩm quyền phê duyệt thuộc thành phố Hà Nội”.
KTS Đào Ngọc Nghiêm