4G là cơ sở để triển khai thành công đô thị thông minh
Chỉ trong vòng 10 năm, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng tốc chưa từng thấy, đặc biệt là tại các thành phố lớn, khu vực kinh tế trọng điểm. Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5%.
Tương tự các quốc gia khác, đô thị hóa ở Việt Nam mang lại tiện ích và nâng cao chất lượng sống cho người dân, nhưng cũng kéo theo rất nhiều vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, quá tải trong các dịch vụ công cộng…
Để giải quyết bài toán này, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu xây dựng các mô hình đô thị thông minh , thành phố thông minh nhằm tạo ra một giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ nhằm mục tiêu ưu tiên giảm thiểu ô nhiễm, phát triển nguồn năng lượng sạch, kiểm soát giao thông và thực hiện các chức năng hành chính – dịch vụ công hiệu quả hơn.
Các đô thị lớn ở Việt Nam cũng đã có những động thái đầu tiên trong việc xây dựng mô hình đô thị thông minh, theo sát đề án án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2018.
Với nhận định Việt Nam có cơ sở để triển khai đô thị thông minh do đã cơ bản phủ sóng 4G với 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng smartphone, nên mục tiêu của Chính phủ sẽ là nhanh chóng chuẩn bị điều kiện pháp lý, mô hình, tiến hành thí điểm phát triển đô thị thông minh, phấn đấu mỗi vùng kinh tế - xã hội có một đô thị thông minh đến năm 2025.
Vai trò lớn hơn của các công ty công nghệ
Theo thống kê, hiện đã có 20/63 tỉnh thành phố triển khai đề án, lên kế hoạch tổng thể, bước đầu, phần lớn các thành phố xây dựng thành phố thông minh thông qua việc hình thành một trung tâm điều hành tập trung, với các phân khu chức năng, tập trung vào hoạt động điều tiết giao thông, xử lý cấp cứu, quản lý dịch vụ công, phân tích dữ liệu, truyền thông... Hà Nội và TP HCM là các địa phương hiện đi đầu về việc triển khai mô hình kiểu này.
Ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Ninh, Quảng Ninh những tỉnh thành có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi sang mô hình đô thị thông minh, đặt ttrọng tâm là chuyển đổi hệ thống chính quyền hiện nay để tạo ra chính quyền thông minh. Tại miền Trung, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong lộ trình hướng đến phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử không những ở khu vực mà còn trên toàn quốc.
Hiện tại, các chính quyền điện tử, trung tâm điều hành tập trung tại các tỉnh thành đều được xây dựng thông qua các nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương và các công ty công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp có nền tảng viễn thông, dựa trên kết nối vận vật (IoT), công nghệ AI, bigdata. Viettel, Mobifone hiện đóng vai trò là nhà tư vấn, thiết kế và là đối tác thực hiện tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh...
Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân có năng lực về công nghệ như Vingroup, BRG... cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng các đại đô thị thông minh của riêng mình; trong khi VNG, CMC, VCC... hỗ trợ tạo lập nền tảng kết nối mạnh mẽ và hiệu quả cho các thành phố trong giai đoạn 4.0.
Chính phủ cũng đã nhiều lần ghi nhận vai trò của các doanh nghiệp công nghệ, khẳng định vai trò lớn hơn của các đơn vị này trong việc sát cánh tạo dựng tiêu chuẩn, nền tảng và triển khai công nghệ mới, nhằm đưa Việt Nam tăng tốc hơn nữa trong nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.
"Một đất nước phát triển phải có đội ngũ doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và đặc biệt cần những doanh nghiệp mạnh dẫn dắt cộng đồng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…