HĐQT Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV HBIC, do HBC sở hữu 100% vốn. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC sẽ là đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty con này.
HBIC được thành lập để triển khai dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình (HBIC) tại khu đất số Lô E2a-9, E2a-11, Khu công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, Tp.HCM. Dự án HBIC tập trung nghiên cứu và phát triển ở 6 lĩnh vực gồm: công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học – y dược, phát triển kỹ thuật công nghệ xây dựng và công nghiệp tự động trên nền diện tích được xây dựng khoảng 2,5ha tại Khu không gian khoa học của SHTP.
HBC cũng tăng tổng vốn đầu tư cho dự án HBIC từ 750 lên 900 tỷ đồng, tương ứng tăng 20% nhằm đảm bảo nguồn lực đầy đủ để triển khai dự án thành công.
Đây có thể được xem là dự án trong chiến lược mở rộng của HBC. Năm 2021, bên cạnh mảng xây dựng dân dụng, HBC định hướng tiếp tục đẩy mạnh phân khúc công nghiệp, đồng thời tăng cường các dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng.
Song song, ban lãnh đạo HBC cho biết sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sang các khu vực tiềm năng mà Công ty chưa triển khai dự án như Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng Thái Nguyên...
Trong thông điệp tại BCTN 2020, ông Hải nhận định 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 33 năm hình thành và phát triển của công ty. Giai đoạn 2018 - 2020, thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến các chủ đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại nặng nề. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng, đặc biệt là các công ty chuyên thi công công trình khách sạn, condotel, biệt thự biển, khu nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí... trong đó có HBC.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh, năm 2018, HBC đạt doanh thu 18.300 tỷ đồng, tương đương hơn 800 triệu USD, cùng với các doanh nghiệp xây dựng tư nhân khác trong nước chiếm gần hết thị phần của công ty xây dựng nước ngoài trong lĩnh vực dân dụng. Tuy nhiên, người đứng đầu phân trần sẽ rất khó giữ đà tăng trưởng nhanh 5 năm tăng 5 lần như 30 năm trước kể từ khi thành lập. Theo đó, hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu của Tập đoàn.
"Có như thế, HBC mới thoát khỏi giới hạn chật hẹp của thị trường trong nước, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp xây dựng, VLXD cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Do không kịp thời phát triển ra nước ngoài, khối doanh nghiệp xây dựng tư nhân đã phải đối diện với khủng hoảng thừa trong 3 năm qua, khi tốc độ tăng trưởng đầu tư trong nước không tăng tương ứng", ông Hải nói.