Xây dựng tương lai cho Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19

15/02/2021 08:49
Mức độ và thời gian của đại dịch, cũng như các tác động kinh tế, rất khó dự đoán. Vì vậy, Việt Nam cần sẵn sàng thực hiện nhiều thay đổi chính sách hơn nữa nhằm giải quyết những rủi ro tiềm ẩn...

"Tiến bộ là thay đổi, vậy nên để hoàn hảo nghĩa là phải thay đổi thường xuyên", Winston Churchill khẳng định như vậy khi phản biện trước Quốc hội Anh năm 1924. Đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thay đổi cao khi cho thấy cách kiểm soát đại dịch và khắc phục hậu quả kinh tế đã thành công cho đến thời điểm này. Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ trong một thế giới u ám.

Trong năm 2020, năng lực thay đổi hoặc thích ứng của Việt Nam khi đối mặt với khủng hoảng đã được thể hiện rõ theo ít nhất 3 cách, tuy khác nhưng bổ sung cho nhau.

Thứ nhất, Việt Nam đã nhanh chóng và tích cực đối phó với đại dịch bằng những cơ chế sáng tạo và minh bạch để khuyến khích thay đổi về chính sách và hành vi của người dân.

Thứ hai, Chính phủ đã thay đổi cả chính sách tiền tệ và tài khóa để tạo ra dư địa cần thiết cho khu vực tư nhân hoạt động và kích thích sự phục hồi trong nước.

Thứ ba, Việt Nam đã tăng tốc cải cách để khai thác những xu hướng toàn cầu nổi lên từ đại dịch qua việc nâng cao vị thế trong nền kinh tế toàn cầu và khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số.

Dù giúp định hình khả năng chống chịu của Việt Nam, nhưng những thay đổi này là chưa đủ, còn cần phải giải quyết các thách thức về môi trường và khí hậu, vốn có thể nhanh chóng đe dọa mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Xây dựng tương lai cho Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 1.

QUẢN LÝ ĐẠI DỊCH MỘT CÁCH SÁNG TẠO 

Dù xét theo tiêu chuẩn nào, Việt Nam đã và đang quản lý thành công cuộc khủng hoảng Covid-19, xứng đáng nhận được sự quan tâm đông đảo của giới truyền thông trong nước và quốc tế. Truyền thông đã nhấn mạnh sự kết hợp của mức độ sẵn sàng trước cuộc khủng hoảng, khả năng ứng phó nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ ngay từ đầu cuộc khủng hoảng bằng việc đóng cửa trường học và biên giới, và chiến lược thông minh khi truy vết có mục tiêu và xét nghiệm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Điều mà có lẽ ít người hiểu được là Chính phủ đã thực hiện các biện pháp trên bằng việc sử dụng thế mạnh truyền thống của mình là đoàn kết và thực thi pháp luật, nhưng cũng sẵn sàng đổi mới thông qua các công nghệ kỹ thuật số hiện đại.

Ngay từ đầu quá trình này, Thủ tướng đã thành lập một ủy ban quốc gia để xây dựng tầm nhìn cũng như cơ chế phối hợp cần thiết giữa các bộ ngành và giữa Trung ương với địa phương nhằm hình thành ý thức rõ ràng về định hướng và thay thế các cơ chế phức tạp hiện có giữa các cơ quan của Chính phủ. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập cơ chế báo cáo trực tuyến để theo dõi những trường hợp nghi ngờ hoặc đã xác nhận nhiễm dịch bệnh, với thông tin chi tiết để theo dõi nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn.

Thông tin thu thập được sử dụng để thiết lập các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhưng có mục tiêu và được chia sẻ gần như trong thời gian thực với nhiều bên thông qua các nền tảng kỹ thuật số và biện pháp phi truyền thống (như bài hát, tin nhắn điện thoại di động và ứng dụng di động). Các biện pháp phi truyền thống này, trước đây chưa phổ biến ở Việt Nam, đã giúp gửi tín hiệu đúng đắn đến người dân để họ chấp nhận các biện pháp của Chính phủ và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Khi truyền thông về diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ đã tạo ra tinh thần trách nhiệm và đoàn kết mạnh mẽ hơn, điều này lại được củng cố bằng những kết quả tích cực từ việc thực hiện các biện pháp đó.

Nhờ nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát đại dịch, các hoạt động trong nước chỉ bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn. Sau 3 tuần phong toả toàn quốc vào tháng 4, các hạn chế dần được dỡ bỏ, và hầu hết các hoạt động công nghiệp và dịch vụ đã phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước lấy lại niềm tin. Đến tháng 10/2020, cả chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gần bằng tỷ lệ trước đợt dịch Covid-19.

Khu vực kinh tế đối ngoại - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua - cũng được hưởng lợi. Trong năm 2020, Việt Nam không chỉ đạt thặng dư thương mại hàng hóa cao nhất từ trước đến nay mà dự trữ ngoại hối cũng tăng mạnh. Những diễn biến tích cực như vậy có phần không dự tính trước được vào đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 vì Việt Nam được coi là rất dễ bị tổn thương do suy thoái kinh tế toàn cầu và đóng cửa biên giới quốc tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đến và xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2019. Khả năng quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19 là công cụ quảng bá tốt nhất của Việt Nam, khuyến khích các công ty nước ngoài tái phân bổ hoạt động sản xuất từ những nước vẫn đang đóng cửa nhà máy của họ sang Việt Nam, do đó góp phần vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của đất nước.

ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH MỚI 

Năng lực thay đổi của Việt Nam cũng đã được thử nghiệm qua các chính sách của Chính phủ. Sau 3 năm củng cố tài khóa, các cơ quan chức năng đã hành động quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình đầu tư công, tăng khoảng 40% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ cũng thực hiện một loạt các biện pháp về miễn, giảm và hoãn nộp thuế và trợ giúp xã hội, nhưng có lẽ ít quyết liệt hơn do tác động dài hạn tương đối nhỏ của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, giống như hầu hết các ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng các điều kiện tiền tệ và tín dụng để tạo môi trường hoạt động cho khu vực tư nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Triển vọng trong tương lai của Việt Nam dường như rất khả quan. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% vào năm 2021 và sau đó ổn định ở mức khoảng 6,5%. Dự báo này giả định cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ dần dần được kiểm soát, đặc biệt là khi có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

Trong kịch bản cơ sở này, khi doanh nghiệp phục hồi kinh tế, dự kiến các chính sách tiền tệ và tài khóa thích ứng được áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng sẽ được điều chỉnh lại, vì vậy Chính phủ sẽ có thể cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và quản lý lạm phát, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình của khu vực tài chính và nợ công. Các cơ quan chức năng sẽ cần tăng cường hiệu quả thu ngân để có nguồn tài chính cho hoạt động đầu tư tăng lên vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội có chất lượng cao mà đất nước sẽ cần trong thập kỷ tới. Chính phủ cũng cần nâng cao hiệu quả chi ngân sách cả ở trung ương và địa phương thông qua các cơ chế phân cấp được điều chỉnh và quan hệ đối tác thông minh với khu vực tư nhân.

Cho dù vậy, mức độ và thời gian của đại dịch, cũng như các tác động kinh tế, rất khó dự đoán. Vì vậy, Việt Nam cần sẵn sàng thực hiện nhiều thay đổi chính sách hơn nữa nhằm giải quyết những rủi ro tiềm ẩn.

Một là rủi ro tài khóa. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19, Chính phủ đã phải chi nhiều hơn thu để kích thích phục hồi kinh tế. Đến nay, nguồn tài chính cho những chính sách ứng phó này là từ dự phòng lớn của ngân sách được tích lũy trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, nếu chính sách thích ứng này được duy trì trong thời gian dài, Chính phủ cần xác định các nguồn vốn mới. Điều này đòi hỏi phải thực hiện cải cách mạnh trong các lĩnh vực như quản lý tài chính công, thu ngân sách, nợ vay, cũng như quản lý tài sản.

Hai là khu vực tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19. Nguy cơ chính là ngày càng nhiều con nợ dần mất khả năng thanh toán, làm tăng tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Rủi ro này có thể được giảm thiểu bằng việc nâng cao chất lượng báo cáo của cơ quan quản lý tiền tệ, ổn định lợi nhuận của các ngân hàng và khuyến khích tăng vốn trong một số ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo Basel II.

Ba là rủi ro xã hội có thể phát sinh từ người dân và doanh nghiệp hiện gặp khó khăn về tài chính do cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhìn chung, kinh tế trong nước đã hấp thụ tốt cú sốc này, nhưng trong mọi cuộc khủng hoảng, đều có kẻ thắng người thua. Ví dụ, khoảng 1/3 các hộ gia đình cho biết thu nhập giảm trong tháng 7-8/2020, 60% không thay đổi và 7% tăng thu nhập. Trong số những người bị giảm thu nhập, khoảng 2,5 triệu người không có thu nhập gì hoặc giảm hơn một nửa mức thu nhập thông thường. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến những đối tượng này.

Vào đầu 2021, Chính phủ Việt Nam sẽ công bố Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Cho dù đã đạt nhiều thành công trong những thập kỷ qua, Chính phủ vẫn quyết định điều chỉnh mô hình tăng trưởng của đất nước. Nếu như con đường từ một nước nghèo sang thu nhập trung bình được thực hiện bằng việc tích lũy vốn vật chất và con người cùng với sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thì quá trình chuyển đổi từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao sẽ chủ yếu thông qua việc sử dụng các nguồn lực hiện có một cách hiệu quả hơn.

Xây dựng tương lai cho Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 2.

TẬN DỤNG CƠ HỘI "CÓ MỘT KHÔNG HAI" 

Nếu quản lý tốt, Việt Nam có thể vươn lên sau cuộc khủng hoảng Covid-19 mạnh hơn so với trước. Việc quản lý thành công đại dịch cho đến nay đã giúp Việt Nam giành được thị phần lớn hơn trong thương mại toàn cầu và gia tăng vốn FDI vào đất nước trong năm 2020. Việc đổi mới các chuỗi giá trị toàn cầu mang lại cho Việt Nam cơ hội "có một không hai" để định vị mình, khi doanh nghiệp và Chính phủ các nước có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất.

Động thái này đã bắt đầu, một số công ty đa quốc gia hiện đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam, và nhiều công ty khác thể hiện sự quan tâm đến việc di chuyển. Thách thức đối với Việt Nam không nhất thiết là thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, mà là tối ưu hóa sự kết nối với các nhà cung cấp và nhà phân phối trong nước cho thị trường nội địa đang phát triển, qua đó tạo điều kiện phổ biến công nghệ và nâng cao năng lực.

Nền kinh tế trong tương lai sẽ ngày càng có xu hướng không tiếp xúc. Mặc dù Việt Nam được cho là chậm hơn so với các nước phát triển về số hóa, cuộc khủng hoảng Covid-19 là một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số. Trong vài tháng qua, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh phát triển kỹ thuật số khi khách hàng chuyển từ mua hàng trực tiếp sang thương mại điện tử. Hơn một nửa số doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số. Chính phủ cũng đã đẩy nhanh các hoạt động của mình, và tăng gấp 11 lần số lượng dịch vụ điện tử được tích hợp vào Cổng thông tin quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11/2020.

GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ KHÍ HẬU  

Các nhà hoạch định chính sách cũng ngày càng nhận thấy trong tương lai Việt Nam sẽ cần quan tâm hơn đến quản lý tài nguyên thiên nhiên của đất nước và những rủi ro khí hậu đang gia tăng, là những mối đe dọa trực tiếp đến khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Dù có cam kết ở cấp cao, nhưng lĩnh vực này chưa có nhiều chuyển biến: ô nhiễm không khí tiếp tục trầm trọng hơn ở các thành phố lớn, nước biển dâng cao đang xâm chiếm Đồng bằng sông Cửu Long, và thiên tai ở các tỉnh ven biển ngày càng lớn hơn và thường xuyên hơn, như đã thấy gần đây qua hàng loạt cơn bão đổ bộ vào miền Trung trong tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua.

Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường trong quá trình khôi phục sau đại dịch Covid-19. Việt Nam cần lựa chọn giữa con đường phát triển bình thường như trước hay phục hồi xanh/sạch để giải quyết được những tác động của đại dịch khác trong tương lai, hay rủi ro khí hậu và thiên tai, đồng thời xây dựng một tương lai thích ứng cao. Quyết định này cần có những chính sách và hoạt động đầu tư mới, cũng như thay đổi cách thức kinh doanh và tiêu dùng. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh Việt Nam không ngại thay đổi. Bây giờ chính là thời điểm cần hành động.

(*) Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
8 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
7 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
7 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
6 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
6 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
7 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.