Cảnh báo xin cho trong các dự án BĐS
VNREA vừa có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) góp ý cho Đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, để xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”.
Theo VNREA, thị trường hiện vẫn đang có sự chênh lệch cung cầu nhất là nhà ở không phù hợp với nhu cầu thị trường. Sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao dư thừa nhưng lại thiếu sản phẩm bình dân, đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân cư. Giá cả nhà ở không ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đặc theo cơ quan này, thị trường BĐS Việt Nam phát triển thiếu minh bạch từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch trên thị trường.
Cơ chế xin cho trong việc giao dự án BĐS dễ dẫn đến tham nhũng, tình trạng giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường diễn ra tại nhiều dự án. Theo VNREA, một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do công tác kiểm soát, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường chưa tốt.
Xây nhà để bán thì nhanh, hạ tầng “bỏ mặc”
VNREA cho rằng, đối với công tác quy hoạch hiện đang tồn tại tình trạng dễ làm, khó bỏ. Triển khai các phần quy hoạch có thể kinh doanh được thì làm rất nhanh nhưng các công trình hạ tầng, kỹ thuật lại chậm triển khai, thậm chí không triển khai. Điều đó dẫn đến tình trạng các dự án khu đô thị bỏ hoang, khu nhà ở phát triển mới ở khu ven đô đều thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, dịch vụ, không thu hút được người dân đến ở, bỏ hoang gây lãng phí tiền của xã hội.
VNREA cũng kiến nghị các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư song song với công trình nhà ở. Chủ đầu tư chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã đầu tư xong công trình hạ tầng xã hội. Cùng với đó, theo Hiệp hội này, cần nghiêm cấm bố trí quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội vào vị trí dân cư hiện hữu, nghĩa trang hoặc khu vực khó giải phóng mặt bằng.
Tại Hà Nội, thực tế những cảnh báo, đánh giá trên của VNREA đang diễn lâu nay mà các cơ quan chức năng thành phố chưa có biện pháp xử lý dứt điểm gây nhiều bức xúc cho người dân Thủ đô.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành giám sát và chỉ ra tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới đã đặt ra tại nhiều kỳ họp của HĐND TP nhưng đến nay vẫn không giải quyết dứt điểm. Trong đó việc triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 tại các khu đô thị thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý; chưa quyết liệt chỉ đạo giải quyết và xử lý chủ đầu tư khu đô thị mới không xây dựng trường học và chưa dành đất xây dựng trường học.
Theo kết quả chỉ tiêu giai đoạn (2012-2016) xây mới 633 trường, tuy nhiên đến nay Hà Nội xây dựng mới được 211 trường đạt 33%. “Qua giám sát 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở cho thấy, các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà và các căn hộ để bán và chuyển nhượng mà ít quan tâm xây dựng các công trình xã hội, trong đó có trường học. Chúng tôi cũng chỉ rõ trách nhiệm chủ yếu thuộc thành phố, các Sở chuyên môn như Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư và các quận, huyện”, vị cán bộ nói.
Điều đáng nói, nhiều nơi quy hoạch được dịch chuyển khi các khu đất đẹp được quy hoạch, điều chỉnh thành nhà ở cao tầng để bán trong các quy hoạch trường học lại bị đẩy vào các khu khó GPMB như nghĩa trang, ao đình…
Một phường có 3 trường học quy hoạch ở nghĩa trang, ao đình
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là phường nội thành có tốc độ phát triển đô thị hoá chóng mặt với 72 tòa chung cư cao tầng, trong đó nhiều khu cao tới 45 tầng. Dân cư của Hoàng Liệt từ 12.000 người nay tăng đột biến với khoảng 75.000 người. Hệ thống trường công lập của Hoàng Liệt đang rất thiếu, thế nhưng trước đây trên địa bàn có 3 dự án quy hoạch trường học trên địa bàn phường thì đều nằm trên đất nghĩa trang, đất ao đình lâu nay không triển khai vì không khả thi, vướng đủ điều.