Trước thực trạng bùng nổ tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có hướng dẫn về công tác vận hành, quản lý nhà chung cư. Trong đó nêu rõ trách nhiệm giải quyết của từng sở ngành liên quan.
12 loại tranh chấp phổ biến tại chung cư
Tranh chấp tại các chung cư là vấn đề tồn tại nhiều năm qua, có những tranh chấp diễn ra dai dẳng, kéo dài và hầu hết bên chịu thiệt là cộng đồng cư dân.
Gần đây, tình trạng bùng nổ tranh chấp chung cư ở TP.HCM có nguyên nhân đến từ việc chủ đầu tư chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư (HNNCC) để bầu ra ban quản trị, chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền căn hộ và chây ỳ bàn giao phí bảo trì.
Có thể kể đến như chung cư Dream Home Luxury và Dream Home Residence, quận Gò Vấp đều do Công ty CP Nhà Mơ làm chủ đầu tư; chung cư The EverRich Infinity, quận 5 của Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt; chung cư 4S Riverside Linh Đông, quận Thủ Đức của Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc…
Hầu hết tranh chấp xảy ra tại các chung cư có nguyên nhân từ chủ đầu tư. |
Có trường hợp chủ đầu tư lẫn UBND phường chậm tổ chức HNNCC lần đầu khiến cư dân bức xúc khởi kiện ra toà như tại chung cư The Era Town, quận 7 do Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư. Cuối cùng, TAND quận 7 đã tuyên buộc UBND phường phải tổ chức HNNCC tại chung cư này.
Theo ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, có 12 loại tranh chấp, khiếu nại trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn, đó là: Quyền sở hữu, quyền sử dụng chung, riêng; bàn giao phí bảo trì; công tác quản lý, vận hành chung cư; hoạt động ban quản trị chung cư; chủ đầu tư xây dựng không phép; xây dựng sai phép;
Chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục; ban quản trị tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục tại chung cư; ban quản trị chuyển đổi công năng phần diện tích sở hữu chung; chủ đầu tư chậm lập thủ tục cấp Giấy Chứng nhận cho người mua căn hộ; nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng; chủ đầu tư vi phạm các quy định về an toàn PCCC.
Trách nhiệm giải quyết tranh chấp
Để xử lý các vấn đề tranh chấp tại các chung cư, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo UBND Thành phố về quy định hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng nhà chung cư để áp dụng trên địa bàn Thành phố.
Trong đó chỉ rõ trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh, tranh chấp và quản lý nhà nước của từng đơn vị như Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Công an Thành phố, UBND quận, huyện và UBND phường, xã.
Cụ thể, Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận, xử lý các tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung – riêng liên quan đến hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng; tranh chấp về giá dịch vụ quản lý, kinh phí bảo trì.
Sở TN&MT chịu trách nhiệm về rà soát và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tải sản khác gắn liền với đất cho các chủ sở hữu nhà chung cư. Kiểm tra, xử lý các trường hợp tổ chức thực hiện dự án kinh doanh BĐS vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại các dự án kinh doanh BĐS.
Công an Thành phố là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Cư dân The Era Town thắng kiện UBND phường Phú Mỹ, quận 7 khi cơ quan này chậm tổ chức HNNCC. |
UBND quận huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo thẩm quyền. Đây là cơ quan ra quyết định hoặc uỷ quyền cho UBND phường, xã công nhận ban quản trị, nhận bàn giao hồ sơ công trình nhà chung cư.
UBND phường, xã có trách nhiệm phối hợp với ban quản trị chung cư trên địa bàn theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND quận, huyện giải quyết. Tổ chức và tham gia HNNCC theo quy định.
Theo Sở Xây dựng, các tranh chấp về quyền sở hữu nhà chung cư được giải quyết trên cơ sở thương lượng và hoà giải, trường hợp không thương lượng được thì yêu cầu TAND giải quyết.
Các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư; bàn giao, quản lý, sử dụng phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư thuộc trách nhiệm xử lý của UBND quận, huyện. Trường hợp không đồng ý với quyết định của địa phương thì cư dân có quyền yêu cầu TAND thụ lý giải quyết.
Phương Anh Linh – Hồ Văn