Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ra mắt Công ty Lao-Jagro và khởi công xây dựng giai đoạn 1 của tổ hợp "resort" bò sữa organic với quy mô 5.000 ha tại tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Dự án đồng thời là kết quả hợp tác chiến lược giữa Vinamilk với công ty liên doanh của Lào và Nhật Bản Lao-Jagro.
Dự kiến cuối năm 2020, trang trại sẽ hoàn thành việc xây dựng và đạt chứng nhận hữu cơ theo chuẩn Châu Âu và tiêu chuẩn Mỹ, cung cấp nguyên liệu sữa tươi organic cho nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam và xuất khẩu.
Như vậy, sau gần 4 năm chính thức ra mắt dòng sữa Organic tại Việt Nam (cuối năm 2016), việc xây dựng Tổ hợp trang trại bò sữa ở Lào của Vinamilk lần này tiếp tục khẳng định cam kết: Không chỉ để người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận các sản phẩm như Organic, mà tiến tới Vinamilk sẽ xuất khẩu dòng sản phẩm cao cấp này ra thị trường quốc tế.
Sau Tây Ninh, dự án ở Lào sẽ là "cuộc chơi lớn" tiếp theo của Vinamilk
Đây là dự án tại nước ngoài đầu tiên của Vinamilk về lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, đây cũng là dự án lớn (sau trang trại ở Tây Ninh) mà Vinamilk đang phải tập trung nhân lực và nguồn lực tài chính để thực hiện.
Giai đoạn 1 của dự án dự kiến nuôi 24.000 con bò, vốn đầu tư ban đầu 120 triệu USD và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020, định hướng trở thành tổ hợp trang trại có quy mô 20.000 ha với đàn bò 100.000 con. Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn dự kiến là 500 triệu USD.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào sẽ là nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu organic chuẩn quốc tế cho các nhà máy của Vinamilk tại khu vực miền Trung Việt Nam.
Theo Vinamilk, việc đầu tư xây dựng tổ hợp "resort" bò sữa organic tại Lào nằm trong chiến lược dài hạn của công ty này về phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cả trong và ngoài nước.
Về định hướng lâu dài, đại diện Vinamilk cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô các cụm trang trại bò sữa công nghệ cao, xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm sữa tại Lào, hướng tới hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng toàn diện.
Từ đây, các sản phẩm sữa chất lượng quốc tế cao cấp sẽ được sản xuất tại Lào và xuất khẩu đi các nước tại ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác.
"Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ 4.0 và máy móc, thiết bị tiên tiến nhất của ngành chăn nuôi trên thế giới tại đây. Đồng thời Vinamilk mang đến dự án đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm cùng các chuyên gia đến từ Nhật Bản và các nước phát triển trên thế giới, nhằm đảm bảo dự án được thực hiện thành công" - Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên chia sẻ.
Organic và chiến lược đầu tư nghiêm túc của Vinamilk
Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, tổng doanh thu sản phẩm sữa Organic trên toàn cầu đạt 15 tỷ USD năm 2014 và 16,7 tỷ USD năm 2015. Dự báo doanh thu sản phẩm sữa Organic tăng lên 26 tỷ USD năm 2019 và 32,2 tỷ USD năm 2021.
Đại diện Vinamilk cho biết, chỉ tính riêng thị trường nội địa sản phẩm sữa Organic của hãng này luôn trong tình trạng sản xuất không kịp nhu cầu, đó là còn chưa kể hiện nay nhiều nhà nhập khẩu lớn trên thế giới cũng đang đề nghị được mua sữa Organic của Vinamilk.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng thừa nhận, để dòng sản phẩm Organic được tiêu thụ phổ thông thì việc cải tiến kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm sẽ phải là bài toán cần có lời giải.
Vinamilk đang "tấn công" vào khâu hạ chi phí giá thành sản phẩm dựa vào nhập khẩu giống bò mới, làm ra thức ăn tại chỗ cho bò và tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm, bao gồm nước trái cây tươi đóng hộp như nước dừa.
Để hướng đến mục tiêu "Top 30 Công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu", Vinamilk đã và đang đẩy mạnh đầu tư, hợp tác tại nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Hiện công ty có tổng cộng 12 trang trại tại Việt Nam, được đầu tư xây dựng như các "resort" bò sữa, trong đó có 2 trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn Organic Châu Âu.
Tổng đàn bò Vinamilk đang quản lý và khai thác sữa trong nước hiện là 130.000 con, giống được nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt gần một triệu lít một ngày.
Còn dự án mới của Vinamilk tại Lào, được Chính phủ nước này cao và sẵn sàng cấp thêm 5.000 héc ta đất nữa nếu cần thiết. Người Nhật có công nghệ và tiềm lực tài chính. Vinamilk cũng chẳng kém về tài chính với số tiền mặt thường trực hơn 10.000 tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng.
Đây không chỉ là một trong những minh chứng rõ nét cho mục tiêu chinh phục thị trường thế giới của Vinamilk mà còn nằm trong chiến lược dài hạn của Vinamilk về phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cả trong và ngoài nước.