Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2020, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm mạnh cả về sản lượng và kim ngạch.
Cụ thể, hết tháng 1, cả nước nhập 4.281 xe, tổng kim ngạch hơn 111 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, sản lượng xe giảm 63%, trong khi kim ngạch giảm 39,3%.
Hai thị trường nhập khẩu có số lượng áp đảo vẫn là Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra Việt Nam còn nhập một lượng xe đáng kể từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ…
Đáng chú ý, tại thị trường Ấn Độ, Việt Nam chỉ nhập khẩu 10 ô tô nguyên chiếc nhưng kim ngạch lên đến 7,2 triệu USD.
Như vậy, tính bình quân mỗi xe nhập khẩu từ Ấn Độ 720.000 USD (tương đương hơn 16,5 tỷ đồng) chưa tính các khoản thuế.
Theo một cán bộ hải quan, sở dĩ xe nhập từ Ấn Độ hiện có mức gia cao hơn rất nhiều so với trước đây do hiện nay Việt Nam chủ yếu nhập xe tải, trong khi trước đây là ô tô dưới 9 chỗ ngồi.
Đơn cử như nhăm 2019, Việt Nam chủ yếu nhập ô tô tải tự đổ Caterpillar từ Ấn Độ. Đây là dòng xe tải hạng nặng phục vụ chủ yếu trong hoạt động khai mỏ với sức chở từ vài chục đến cả trăm tấn mỗi xe.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết năm 2019, lượng xe các loại của Trung Quốc nhập vào Việt Nam chỉ đạt 5.000 chiếc, giảm 50% đến 100% so với cùng kỳ các năm trước.
Trong tháng 1/2020, lượng xe Trung Quốc vào Việt Nam chỉ đạt 156 chiếc, hầu hết là xe tải và xe chuyên dụng, giá bình quân đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/chiếc.
Việc xe Trung Quốc suy giảm, dẫn đến mất doanh số tại Việt Nam bắt đầu từ cuối tháng 10/2019, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện có cài cắm bản đồ định vị vệ tinh “đường lưỡi bò” - đường 9 đoạn phi pháp của Trung Quốc vào bản đồ điện tử của một số ô tô du lịch.
Sự việc này đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng Việt cũng như thị trường xe Việt.