Hai năm qua, trung bình mỗi tháng chị Nguyễn Thị Dung, công nhân nhà máy giày Thượng Đình chi khoảng 500.000 đồng để đổ xăng đi làm bằng xe máy. Tuy nhiên, từ tháng 2 vừa qua, số tiền này lên đến hơn 700.000 đồng/tháng. “Để giảm chi phí đi lại, dành tiền cho sinh hoạt gia đình, nuôi con, từ tháng 3 này, tôi quyết định mua vé tháng xe buýt để đi làm”, chị Dung nói.
Với giá vé lượt xe buýt từ 5.000 đến 7.000 đồng và giá vé tháng từ 70.000 đồng/vé 1 tuyến và 140.000 đồng/vé liên tuyến, giá vé tháng đường sắt đô thị từ 100 nghìn đồng (học sinh, sinh viên) đến 200 nghìn đồng/tháng (vé phổ thông), người dân cho rằng đang khá phù hợp cho việc đi lại trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ ngày 8/2 vừa qua, tất cả tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố đã được phép hoạt động 100% công suất.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, do tình hình biến động của thị trường thế giới và trong nước việc xăng dầu tăng giá liên tục đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. “Trước đây một người đi xe máy đổ xăng trung bình từ 65.000 - 70.000đ/lần đi trong một tuần thì nay họ phải mất ít nhất 90.000 đồng. Giá xăng tăng cao liên tục khiến cho đời sống của đại bộ phận người dân lao động đều có sự ảnh hưởng không nhỏ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp”, ông Liên nói.
Theo ông Liên, để thích ứng với tình hình giá xăng dầu liên tục tăng cao, nhiều người dân đã dần hạn chế việc sử dụng xe máy, thay vào đó chuyển qua sử dụng loại hình vận tải hành khách công cộng.
Xe buýt “căng mình” xoay xở
Sau Tết tuy lượng hành khách đi xe buýt và đường sắt đô thị có tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động trên lĩnh vực vận tải công cộng đang phải “căng mình” để vừa chống dịch vừa đảm bảo không bỏ lượt, chuyến. Hơn tháng qua, nhiều DN vận tải đặc biệt là các DN xe buýt đang phải đối diện với giá xăng dầu tăng “phi mã”. Đại diện một DN vận tải đang hoạt động trên lĩnh vực xe buýt Hà Nội cho biết, kể cả có trợ giá hoặc không trợ giá đều có định mức hoạt động, trong đó có giá xăng dầu được lập từ đầu năm, thậm chí nhiều năm trước đó để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, trong 2 năm qua, giá dầu diesel (loại dùng cho xe buýt hoạt động) được lập, trình cơ quan phê duyệt hoạt động ở mức 15.000 đến 17.000 đồng/lít; nay giá tăng lên trên 21.000 đồng/lít khiến DN rất khó khăn để bù các khoản chi phí chênh lệch.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 9/3, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông Công cộng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Trung tâm đã nắm bắt được các khó khăn chung của DN và đang đề xuất với Sở GTVT và thành phố có giải pháp để chia sẻ, hỗ trợ, giúp DN yên tâm hoạt động, đảm bảo sự đi lại của người dân. Với các tuyến buýt truyền thống được hưởng trợ giá của thành phố, ông Hải cho biết, việc điều chỉnh giá nhiên liên liệu theo biến động của thị trường tiếp tục được thực hiện và sẽ đẩy nhanh về mặt thủ tục. Với các DN vận tải có các tuyến buýt kế cận, Trung tâm cũng đã có báo cáo với Sở GTVT Hà Nội để có giải pháp phù hợp.
Đại diện Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội cho biết, với các DN vận tải xe buýt được trợ giá của thành phố thì mức tăng này sẽ được tính toán cho phù hợp với thực tế sau 6 tháng hoặc 1 năm hoạt động, với DN xe buýt khác không được hưởng cơ chế này.
Cty cổ phần Xe khách Hà Nội là đơn vị vận hành xe buýt đầu tiên tại Hà Nội vừa có đề xuất với Sở GTVT Hà Nội cho phép giảm 50% tần suất hoạt động các tuyến buýt kế cận do Cty đang đảm nhận. Hiện Cty cổ phần Xe khách Hà Nội là đơn vị đang vận hành 5 tuyến buýt kế cận từ Hà Nội đến các tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.
Cụ thể, với tuyến buýt chạy đến Bắc Ninh mỗi ngày đơn vị đang có 40 lượt xe, nay đề xuất giảm xuống 20 lượt xe; tuyến Hưng Yên, mỗi ngày đang có 40 lượt xe, đề xuất giảm xuống 20 lượt xe; tuyến Hải Dương mỗi ngày đang có từ 26 - 33 lượt xe nay đề xuất giảm xuống 12 lượt xe.
Lý giải cho việc này, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Cty cổ phần Xe khách Hà Nội cho biết, đây là điều chỉnh bất đắc dĩ và doanh nghiệp không hề mong muốn, tuy nhiên do dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn.