Sáu tháng đầu tiên, Bluegogo, công ty chia sẻ xe đạp lớn thứ 3 Trung Quốc đổ 600.000 chiếc xe đạp xuống các thành phố. Trong giai đoạn đó, có hai mươi triệu người đăng ký sử dụng và các nhà đầu tư rót tới 58 triệu USD tiền vốn cho Bluegogo. Tuy nhiên, với mức giá 0,14 USD/giờ, tương đương (3.200 vnđ), Bluegogo không thể có lãi và sớm phải đóng cửa. Trong lá thư xin lỗi, CEO của Bluegogo phải cay đắng thừa nhận mình đã quá kiêu ngạo.
Tuy nhiên, ông ta không phải người duy nhất. Trong khoảng 18 tháng, chia sẻ xe đạp bùng bổ và trở thành xu hướng đầu tư nóng nhất ở Trung Quốc. Hai công ty lớn nhất gọi vốn được hơn 1 tỷ USD từ các quỹ mạo hiểm. Người ta kỳ vọng cho thuê xe đạp sẽ mang lại cuộc cách mạng cho những con đường tắc nghẽn vì kẹt xe cũng như giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà khai thác đã không tạo ra được một mô hình kinh doanh khả thi. Chưa đầy một năm sau thời kỳ bùng nổ, ngành công nghiệp cho thuê xe đạp Trung Quốc đang bất ổn hơn bao giờ hết khi những núi xe đạp bị vứt bỏ ngày càng nhiều trong khi lợi lộc chúng mang lại chẳng đáng là bao.
Hình ảnh người dân đi xe đạp có thể được thấy ở các thành phố lớn Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Xe đạp bị coi là loại phương tiện cấp thấp và không hiệu quả nên các thành phố được thiết kế lại để tạo điều kiện cho ô tô thay vì người đi xe đạp hay đi bộ. Với những người không thể có ô tô riêng, hệ thống giao thông vận tải công cộng của Trung Quốc sẽ phục vụ họ.
Tuy nhiên, sự phát triển lại mang đến những vấn đề khác. Chẳng hạn như ở Thượng Hải, người ta phải đi bộ hơn 1 cây số để tới được bến xe buýt hay ga tàu điện ngầm gần nhất. Người ta thường sẵn sàng đi bộ nếu khoảng cách vừa phải. Đi quá xa, người ta sẽ tìm tới những phương pháp đi chuyển mới và xe đạp dường như lại là giải pháp cho vấn đề đó.
Việc cho thuê xe đạp truyền thống là người dùng thuê một chiếc xe đạp từ các trạm cố định và trả nó ở một trạm cố định khác gần nơi họ muốn đến. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái vì trạm trả hoặc mượn xe không nằm ngay dưới nhà họ. Chính vì thế, cho thuê xe đạp công nghệ cao ra đời với khả năng định vị toàn cầu, cho phép người dùng tìm thấy xe và trả chúng ở những nơi thuận tiện.
Tuy nhiên, chính sự buông lỏng này gây ra vấn đề thực sự cho các công ty chia sẻ xe đạp. Tính đến tháng 8 vừa qua, Thượng Hải, Trung Quốc có 1,5 triệu xe đạp cho thuê và hàng triệu lượt người sử dụng mỗi ngày. Vấn đề nảy sinh khi rất nhiều người mang xe tới các ga tàu điện ngầm và vứt chúng xếp chồng lên nhau như một dãy núi. Tình trạng ách tắc, làm xấu mỹ quan đô thị hay gây ảnh hưởng tới người không sử dụng cũng từ đó mà ra. Tình trạng mất trật tự buộc nhà chức trách phải ra tay xử lý.
Trung bình, mỗi chiếc xe đạp cho thuê có giá khoảng 400 USD. Trong khi đó, giá mỗi giờ cho thuê chỉ là 0,14 USD. Các nhà khai thác sẽ rất khó thu hồi vốn bởi phải mất gần 3.000 giờ có người thuê mới đủ số tiền bỏ ra cho 1 chiếc xe, chưa kể chi phí sửa chữa phát sinh trong quá trình sử dụng. Sự sụp đổ của Bluegogo là cái kết có thể dự báo trước.
Hiện tại, hai công ty chia sẻ xe đạp lớn nhất của Trung Quốc vẫn tồn tại nhưng bởi họ có những nhà tài trợ khổng lồ phía sau. Dẫu vậy, áp lực tạo ra tiền đang ngày càng lớn và có thể hai công ty này sẽ phải hợp nhất để tồn tại thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Việc tăng giá cũng là dấu hiệu có thể nhìn thấy trước.
Tuy nhiên, để hình thức được mô tả là tiến bộ này có thể tồn tại, cần tới sự vào cuộc của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, nhất là khi xe đạp dùng chung có thể là chìa khóa cho vấn đề ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang làm đau đầu các nhà quản lý. Thậm chí, những ứng dụng chia sẻ xe đạp quốc doanh cũng có thể được tạo ra để đảm bảo sự tồn tại của ngày công nghiệp này.
Rõ ràng, chia sẻ xe đạp chưa mang lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề ở các đô thị lớn, điều các nhà chức trách cần cân nhắc một cách cẩn thận.