Các loại hình vận chuyển khách vào Hà Nội hiện đã tạm dừng, do đó nếu không sử dụng phương tiện cá nhân thì người dân phải chịu mức phí cao hơn nhiều lần so với bình thường.
Hiện tại, các loại hình vận chuyển như xe buýt, xe khách, taxi đều đã tạm dừng tại Hà Nội. Do đó, dù thực sự có công việc cần thì người dân cũng khó lòng tìm được xe.
Thời điểm cách ly nghiêm ngặt, nhiều người thậm chí đã phải ra đường quốc lộ đi nhờ xe tải để có thể lên Hà Nội. Tuy nhiên, sau 2 tuần cách ly nghiêm ngặt, nhiều tỉnh thành đã nới lỏng các loại hình kinh doanh dịch vụ như vận chuyển hành khách để người dân có thể đi lại.
Song, việc vận chuyển khách bằng xe buýt, taxi hay xe khách có đăng ký vẫn chưa hoạt động. Mà thay vào đó, chỉ là các nhóm tài xế vận chuyển theo dạng xe gia đình hoạt động.
Vận chuyển hành khách theo dạng xe gia đình hiện nay khá phổ biến ở nhiều tỉnh gần Hà Nội. Loại hình vận tải này sử dụng các xe nhỏ 4 - 7 chỗ, nên việc đón trả mất ít thời gian hơn các loại xe to.
Cũng vì thế, loại hình này thu hút được khách, dù giá mỗi chuyến đi là 100 nghìn đồng, cao hơn các loại xe khách liên tỉnh từ 40 - 50 nghìn đồng.
Thế nhưng, trong mùa dịch, giá còn tăng gấp đôi so với ngày thường, lên 200 nghìn đồng/người. Việc tăng giá theo một tài xế chuyên chạy xe dạng này là bởi, quy định chỉ được chở thêm tối đa 2 người trên xe 4 chỗ.
Nói là vậy, nhưng khi thử liên lạc với một tài xế khác và đề nghị đi 4 người thì người vẫn sẵn sàng chở và còn “ưu đãi” từ 800 nghìn về còn 600 nghìn đồng.
Giá cao, nhưng nếu không đi thì chị Hoàng Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng không còn lựa chọn nào khác để từ quê có thể quay trở lại Hà Nội làm việc. Do đó, chị đành phải chấp nhận với mức giá trên.
Theo một tài xế chạy thuê cho chủ xe loại hình dịch vụ này, với mức giá 100 nghìn đồng/người thì mỗi tháng chủ xe cũng đã có lãi khoảng trên 20 triệu đồng. Chỉ cần làm 1 phép tính nhỏ là có thể biết được.
Xe dịch vụ mùa dịch thu phí gấp đôi |
Theo đó, tài xế này nhẩm tính, mỗi ngày xe chạy 2 lượt cả đi và về. Tính ra là 4 chuyến xe, mỗi chuyến như vậy chủ xe sẽ thu về 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, ngoài vận chuyển người thì mỗi chuyến xe như vậy đều có 1 - 2 đồ khách gửi. Như vậy, mỗi chuyến xe có thể thu được khoảng 500 - 600 nghìn đồng.
“Xe này tốn không quá nhiều chi phí. Vì mỗi lượt cả đi và về chỉ hết khoảng 250 nghìn đồng tiền xăng. Phí cầu đường đóng theo tháng khoảng, nên mỗi ngày 40 nghìn đồng thì chạy bao nhiêu lượt cũng được”, tài xế này nói và thông tin thêm, mỗi chuyến đi chủ xe sẽ trả cho người lái 100 nghìn đồng, chỉ khoảng 400 nghìn đồng/ngày.
Vào thời điểm Tết, hoặc nghỉ lễ giá dịch vụ này cũng tăng gấp đôi lên 200 nghìn đồng. Trong đó, vé từ Hà Nội về là 200 nghìn đồng, còn vé lên vẫn giữ nguyên. Nhưng thu nhập của chủ xe sau khi trừ đi chi phí có thể lên tới 50 triệu đồng. Tháng sau Tết thấp hơn cũng trên 30 triệu. Thu nhập cao mùa Tết theo các lãi xe cũng một phần do có nhiều hàng hoá vận chuyển theo.
Việc tăng giá vào mùa dịch theo các chủ xe này là để bù vào lượng khách thiếu hụt. Tuy nhiên, tăng giá gấp đôi vào mùa dịch do khách không có sự lựa chọn chỉ là cách làm ăn chộp giật. Khi các loại phương tiện vận chuyển khác quay lại hoạt động thì khách hàng sẽ không đi taxi gia đình nữa.
(Theo Dân trí)