Hai thời kỳ bùng nổ lao động xe ôm
Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, với khoảng 70% dân số sống tập trung ở các vùng nông thôn. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế bắt đầu mở cửa, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã tiến tới dư thừa lúa gạo và trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nền kinh tế cũng đang chứng kiến sự chuyển rõ rệt trong cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần ở khu vực công nghiệp – dịch vụ, nhưng nông nghiệp vẫn là hoạt động chính của người lao động khu vực nông thôn Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế khả năng tạo công ăn việc làm mới của khu vực nông nghiệp là rất thấp, bên cạnh phương thức canh tác vẫn mang nặng tính truyền thống, giá trị kinh tế của nông phẩm không cao … và nhiều lí do khác đã khiến tình trạng người nông dân bỏ ruộng để chuyển nghề ngày càng gia tăng. Khi đó, nghề xe ôm đã được nhiều lao động thất nghiệp, thu nhập thấp lựa chọn làm kế sinh nhai. Đó là thời kỳ bùng nổ của xe ôm lần thứ nhất.
Xe ôm truyền thống
Thời kỳ bùng nổ thứ hai xuất hiện khi các yếu tố khoa học công nghệ bắt đầu "gia nhập" ngành này, với những tên tuổi lớn như Grab, Uber … và cụm từ "xe ôm công nghệ" ra đời. Kể từ khi các đại gia vận tải bằng hợp đồng điện tử này xâm nhập thị trường Việt Nam, đến nay ước tính đã có vài chục nghìn tài xế tham gia chỉ tính riêng đối với Grab. Sự bùng nổ của các xe ôm công nghệ với nhiều ưu việt và tiện ích đã vượt trội xe ôm truyền thống. Một lái xe truyền thống chia sẻ: "Trước đây, nếu siêng chạy sẽ kiếm được 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Còn giờ, siêng cỡ nào cũng chỉ được 150.000 đồng/ngày, vì không chịu nổi áp lực từ những tài xế trẻ chạy cho Uber và Grab".
Xe ôm và sự khó khăn của cơ chế quản lý
Sau hai thời kỳ bùng nổ đó, số lượng tài xế xe ôm có thể đã lên đến cả trăm nghìn người. Tuy nhiên, sẽ chẳng bao giờ có một con số cụ thể được đưa ra, bởi Việt Nam hiện chưa có một cơ chế quản lý nào dành cho loại hình vận tải này. Do rào cản gia nhập ngành gần như bằng không, chưa có một cơ chế quản lý cụ thể và nghề xe ôm mang nặng tính tự phát.
Xe ôm thời công nghệ
Việc quản lý xe ôm đã từng được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong một dự thảo thông tư nhưng do chưa đi vào cuộc sống mà các quy định coi như bỏ trống. Tuy nhiên, với việc xe ôm công nghệ phát triển rầm rộ và lên tới hàng chục nghìn xe trên khắp các thành phố thì câu chuyện quản lý có cần thiết hay không lại nổi lên.
Thực tế trước đây, việc dự thảo quy định quản lý với xe ôm khó được chấp nhận có một lý do quan trọng bởi họ là những lao động có thu nhập thuộc diện thấp nhất trong xã hội và mọi biện pháp quản lý có thể gây khó khăn cho việc kiếm sống của họ đều bị coi là phản cảm và khó chấp nhận.
Kinh nghiệm từ Thái Lan
Hiện nay vấn đề tạo hành lang pháp lý để quản lý xe ôm vẫn là một vấn đề khó đối với cơ quan chức năng và đang gây nhiều tranh cãi. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng là một nước có tỷ lệ vận tải hành khách bằng xe máy lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, do nhận thức được những bất cập do tình trạng lộn xộn, không được kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã chính thức ban hành quy định về quản lý xe ôm từ năm 2005, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Các quy định của Thái Lan chủ yếu liên quan đến quản lý ở khâu đăng ký cung ứng dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ và tiêu chuẩn hành vi của lái xe.
Thời điểm đó, Thái Lan quy định về mức phí đặt ra là: trong 2km đầu tiên tính phí không vượt quá 25 Bạt, các km tiếp theo không quá 5 Bạt/km, nếu quãng đường đi dài hơn 5km thì giá cước có thể được xác định theo thỏa thuận công khai giữa lái xe và hành khách. Người lao động muốn trở thành tài xế xe ôm phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cấp 1 thẻ hành nghề, đồng thời, khi làm việc phải mặc áo chuyên dụng theo quy định.
Để đảm bảo an toàn cho cả tài xế và hành khách, Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu mỗi tài xế xe ôm phải trang bị một số thiết bị an toàn, như tay vịn cho hành khách, mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng… Ngoài ra, mỗi tài xế xe ôm phải nộp một khoản thuế nhỏ 100 Bạt/năm và phí duy trì thẻ hành nghề là 150 Bạt trong 3 năm, sẽ giúp kiểm soát được số lượng tài xế. Về chế tài, cấm hoặc hủy giấy phép lái xe, rút thẻ hành nghề, phạt tiền đối với những tài xế vi phạm luật hay cung ứng dịch vụ không phù hợp tùy từng mức độ vi phạm. Đây là những biện pháp hết sức cơ bản và sơ khai của thời kỳ đầu áp dụng tại Thái Lan, và còn được điều chỉnh sau này.