Không tạo nên cuộc tranh cãi lớn về chính sách trên mặt báo nhưng cuộc chiến giành khách giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ trong thời gian qua cũng gây nhiều chú ý khi có không ít vụ việc xô xát dẫn tới đổ máu giữa 2 bên.
Dù đến sau nhưng với lợi thế về giá, sự minh bạch, xe ôm công nghệ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tại Hà Nội, TP.HCM nơi mà xe máy là lựa chọn thích hợp trong giờ cao điểm.
Các chuyên gia nhận định, xe ôm chính là miếng bánh béo bở dễ khai thác của cả DN lẫn các lái xe. Với các DN, đây là thị phần tiềm năng với hàng triệu lượt khách hàng trong khi không bị “soi” hay quản lý nhiều như taxi. Số lượng lái xe ôm công nghệ không nằm trong diện bị hạn chế. Với các lái xe, đây là lựa chọn làm thêm cũng như làm chính khá hấp dẫn khi có chi phí đầu tư thấp, thủ tục đơn giản và nhiều khách.
Tuy nhiên, việc Mai Linh nhảy vào thị trường và có thể Vinasun hoặc các hãng taxi khác cũng sớm học tập theo, miếng bánh này sẽ ngày càng khó nhằn.
Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn Anh, một lái xe Grab bike cho biết, anh đã chạy dịch vụ xe ôm công nghệ được gần 2 năm, thời gian anh chỉ làm thêm sau đó có thu nhập khá cao nên chuyển sang làm toàn thời gian. Tuy nhiên, gần đây, “lượng lái xe tăng mạnh, khiến lượng khách và thu nhập bị chia sẻ. Dù khách gọi xe vẫn nhiều nhưng sau khi trừ chi phí, thu nhập giờ chỉ còn khoảng 5-7 triệu đồng/tháng”, anh Tuấn Anh cho biết.
Giống như Uber, Grab khi mới nhảy vào thị trường, Mai Linh hiện cũng đang hứa hẹn nhiều chính sách để “câu” lái xe như tỷ lệ chia doanh thu 0% trong 2 tháng đầu và 15% cho các tháng tiếp theo hay tặng đồng phục cho lái xe. Tuy nhiên, nhiều lái xe dự đoán trong tương lai nếu có thị phần, Mai Linh cũng sẽ sớm điều chỉnh chính sách như cách mà Uber hay Grab đã làm.
Hiện chưa thể thống kê số lượng xe công nghệ tại Hà Nội và TP.HCM nhưng thực tế cho thấy xe ôm truyền thống ngày càng thất thế và không ít lái xe ôm truyền thống đã phải “giả dạng” xe ôm Grab hay Uber để có khách.