“Quên” khuyến cáo vì vụ lúa trúng nhất năm
Liên quan đến việc dân “xé rào” sản xuất vụ đông xuân, ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết, mặc dù ngành chức năng khuyến cáo không sản xuất lúa vụ 3 nhưng bà con ở huyện này vẫn xuống giống đến trên 4.400ha và đều bị thiệt hại do mặn xâm nhập.
“Hầu hết diện tích này đều bị ảnh hưởng do nước nhiễm mặn, cây lúa khó phát triển được” - ông Chương nói.
40ha lúa của anh Lê Công Minh (ấp Tân Lập, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) bị mất trắng do gieo sạ “xé rào”. Ảnh: Huỳnh Xây
"Nguyên nhân người dân “xé rào” trồng lúa dù đã có khuyến cáo vì nghĩ rằng ở nông thôn không làm lúa thì không biết phải làm gì, bỏ đất tiếc nên xuống giống kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, do sự biến động thất thường của thời tiết khiến người dân không tin tưởng hoàn toàn vào ngành chức năng”. Ông Trần Văn Na - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu |
Ông Chương chia sẻ, người dân trên địa bàn huyện đa phần làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, nuôi bò. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xâm nhập mặn diễn ra tương đối phức tạp, với độ mặn từ 1,8 - 3‰. Cây lúa thiệt hại thì đã rồi, hiện địa phương đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân trữ nước trong vườn cây để phục vụ cho đàn bò 100.000 con.
Theo Phòng NNPTNT huyện Ba Tri, phần lớn diện tích gieo sạ bất chấp khuyến cáo đều bị nhiễm mặn, trong đó hơn 15% diện tích bị chết, còn lại lúa chậm phát triển.
Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cho hay, ngoài huyện Ba Tri, huyện Giồng Trôm cũng có 631ha lúa bị thiệt hại do mặn xâm nhập. Tổng số diện tích lúa bị thiệt hại là khoảng 5.059ha, trong đó thiệt hại từ 30-70% là là 28ha, thiệt hại trên 70% khoảng 5.31ha.
Khi hỏi về việc “xé rào” trồng lúa trên địa bàn thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn này cho biết, trước khi bà con làm lúa vụ đông xuân, cán bộ thị trấn đã đi vận động không nên làm, vì vậy ai cũng biết thông tin này. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bà con lờ đi khuyến cáo và xuống giống theo kiểu cục bộ.
Ước tính vụ đông xuân muộn năm nay, thị trấn Long Phú có hơn 238ha đất lúa được gieo sạ. Nhiều diện tích đã được 30 ngày tuổi nhưng bị mất trắng do mặn xâm nhập sớm.
“Xuống giống xong thấy mặn xâm nhập, cây lúa không sống được nên bà con đã bỏ đồng. Nhiều người thấy mặn, cũng không dám làm liều nên diện tích lúa năm nay giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 238ha (năm trước khoảng 1.230ha)” – ông Dũng cho hay.
Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã gặp ông Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng NNPTNT huyện Long Phú. Theo ông Vũ, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện khuyến cáo nông dân không làm lúa đông xuân muộn (lúa vụ 3). Tuy nhiên, nhiều người chủ quan vẫn xuống giống nên đã có hơn 1.500ha bị ảnh hưởng nặng. Dự báo thời gian tới diện tích này sẽ tiếp tục tăng, thậm chí sẽ mất trắng toàn bộ.
"Từ tháng 10/2019, tỉnh đã điều chỉnh lịch thời vụ, cảnh báo nên gieo sạ giống lúa ngắn ngày nhưng việc tuân thủ của người dân chưa tốt. Trong hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại có đến 16.000ha theo mô hình lúa - tôm sử dụng giống dài ngày”. Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau |
Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các cơ quan liên quan nhiều lần họp để bàn cách ứng phó với hạn mặn. Toàn tỉnh có tới 1.000ha lúa vụ 3 gieo sạ không theo khuyến cáo, bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.
Mất trắng do thói quen
Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích lúa bị thiệt hại do mặn xâm nhập nhiều nhất đến thời điểm này là tỉnh Cà Mau, với trên 16.800ha. Trong đó, huyện Thới Bình có đến trên 8.050ha “xé rào” theo mô hình lúa – tôm, chủ yếu trồng giống Một bụi đỏ và các giống dài ngày.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thới Bình giải thích, việc thay đổi cơ cấu giống lúa trong điều kiện canh tác hiện nay ở mô hình lúa - tôm là rất quan trọng. Những năm gần đây mưa thường dứt sớm nên việc canh tác lúa phải chuyển từ dài ngày sang ngắn ngày.
Trồng giống Một bụi đỏ là không phù hợp và ngành chức năng đã tích cực khuyến cáo nông dân không xuống giống.
“Phần lớn do người dân làm theo thói quen, tư duy ngại thay đổi. Bên cạnh đó, một số người cũng lấy các giống lúa cũ có sẵn, không mua giống xác nhận để làm, cộng thêm kỹ thuật canh tác còn yếu. Từ khoảng giữa tháng 10/2019, khi lúa ở giai đoạn trổ thì trời dứt mưa, bà con trở tay không kịp. Trong khi đó dưới vuông thì nước có độ mặn cao, lúa không được rửa mặn tốt, dẫn đến thiệt hại” - ông Lâm thông tin.
Chị Đoàn Thị Kim Thoa, ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre phải cắt lúa non cho 7 con bò ở nhà ăn vì nước đã bị nhiễm mặn, không thể tưới cho lúa. Ảnh: Huỳnh Xây
Tương tự, ông Huỳnh Công Thành - Trưởng ấp Huyền Thiện, xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình) cũng cho biết: “Từ đầu vụ, ấp đã họp dân để hướng dẫn kê khai sản xuất, đồng thời khuyến cáo sử dụng các giống lúa ngắn ngày để sản xuất, nhằm hạn chế thiệt hại. Mặc dù rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn không làm thay đổi được tư duy sản xuất của một bộ phận người dân”.
“Người dân vẫn tin tưởng sản xuất giống lúa Một bụi đỏ dù thời gian canh tác dài, dễ bị thiệt hại khi độ mặn tăng cao. Trong khi giá lúa Một bụi đỏ cao nhất cũng chỉ 5.000 đồng/kg, còn ST24 tới 7.500 đồng/kg” - ông Thành nói thêm.
Ông Nguyễn Thành Điền - Trưởng ấp Sáu La Cua, xã Biển Bạch Đông cho rằng: “Cái khó nhất trong vận động người dân thay đổi giống lúa để sản xuất là ở việc không làm chủ được thị trường. Đơn cử như vụ lúa vừa qua, dù chúng tôi đã vận động người dân thay đổi giống mới nhưng họ vẫn lo ngại giống lúa mới khó tiêu thụ”.
Đến nay, xã Tân Bằng đã có 729ha lúa trên đất nuôi tôm thiệt hại do hạn mặn, trong đó thiệt hại trắng hơn 290ha.
“Đa số diện tích thiệt hại nằm ở các giống lúa dài ngày. Do bà con xuống giống nhưng chưa tìm hiểu kỹ và quan tâm nhiều đến hiệu quả kinh tế. Cụ thể, giống Một bụi đỏ có thời gian canh tác từ 145-150 ngày trong khi khâu rửa mặn không kỹ, hạn mặn lại đến sớm, độ mặn trong đất vẫn còn, dẫn đến thiệt hại nặng” - anh Trần Thanh Bảnh - cán bộ khuyến nông xã Tân Bằng cho hay.